Hỗ trợ từ nhóm hàng chủ lực, xuất khẩu sau 8 tháng tăng 7,3%

Dù nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông sản sụt giảm khá mạnh trong 8 tháng song với kết quả tích cực từ các mặt hàng chủ lực, kim ngạch xuất khẩu của cả nước vấn tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Hỗ trợ từ nhóm hàng chủ lực, xuất khẩu sau 8 tháng tăng 7,3% ảnh 1Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 12,9% trong 8 tháng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù giá nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông sản sụt giảm, song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm vẫn đạt được kết quả tích cực. 

Gạo, rau quả... đều sụt giảm

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, kim ngạch xuất khẩu tháng Tám ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,34 tỷ USD, giảm 4,9% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,16 tỷ USD, tăng 12,4%.

Lũy kế sau 8 tháng, xuất khẩu của cả nước vẫn đạt khoảng 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng khu vực kinh tế trong nước, sau 8 tháng tăng 13,9% đạt 52,04 tỷ USD.

“Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018, nhưng kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp,” đại diện Bộ Công Thương nói.

[Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra]

Cũng trong 8 tháng, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong nhóm công nghiệp chế biến đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,3%, giày dép các loại tăng 13,1%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,4% hay hàng dệt và may mặc tăng 9,8%.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng thuộc nhóm hàng nông, thủy sản… tiếp tục sụt giảm đã tác động tới kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Chỉ tính riêng mặt hàng thủy sản đã giảm 2,6%. Ngoài ra, rau quả là mặt hàng thế mạnh cũng giảm 6%, trong khi gạo giảm 14,2% và mặt hàng càphê giảm tới 20%.

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước mới đây, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nông sản là do nhiều quốc gia đã chủ động nguồn cung, hạn chế nhập khẩu.

Chưa kể, sau một thời gian tăng cao, hiện nay giá xuất khẩu nhiều loại nông sản đang dần giảm xuống, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản chung. 

Xuất siêu 3,4 tỷ USD

Ở chiều ngược lại, theo đại diện Bộ Công Thương, nhập khẩu trong tháng Tám đạt 22,8 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Thống kê cho thấy, khu vực kinh tế trong nước đã chi khoảng 70,43 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa các loại, tăng 13,9% trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 96,15 tỷ USD, tăng 4,8%.

Nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh có thể kể tới như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 21%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 12,9%.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,2 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 31 tỷ USD; thị trường ASEAN đạt 21,6 tỷ USD; Nhật Bản đạt 12,4 tỷ USD và EU đạt 9,9 tỷ USD…

- Nhập khẩu từ một số thị trường trong 8 tháng:

Với kết quả trên, trong 8 tháng đầu năm 2019, cả nước ước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước với con số xuất siêu là 4,85 tỷ USD.

Theo đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu khoảng 18,4 tỷ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,8 tỷ USD.

Để hoàn thành kế hoạch cả năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết hội nhập, giúp doanh nghiệp nắm bắt đúng thực chất tình hình, qua đó có thể tranh thủ cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu.

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các Cục, vụ chức năng làm việc với các Hiệp hội ngành hàng kịp thời để có giải pháp điều hành cụ thể, cũng như chỉ đạo kịp thời trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Về lâu dài, cơ quan này đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khuyến cáo người nông dân tổ chức sản xuất theo hướng liên kết vùng nhằm có được nguồn cung hàng hóa ổn định, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.