Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá hơn 220% với mắc áo thép Việt Nam

Do không có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia rà soát nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 220,68%.
Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá hơn 220% với mắc áo thép Việt Nam ảnh 1Sản phẩm mắc áo thép.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam tiếp tục bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá với mức thuế 220,68%.

Trước đó, theo Cục Phòng vệ Thương mại, tháng 8/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo về kết luận cuối cùng của đợt rà soát hoàng hôn lần thứ hai lệnh áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Rà soát hoàng hôn là rà soát được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát (nếu rà soát được tiến hành cả về biên phá giá và thiệt hại).

[Hoa Kỳ áp thuế chống trợ cấp với mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam]

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, tại kết luận, do không có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia rà soát nên DOC quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 220,68% (trừ ba công ty được áp dụng thuế suất riêng là 157%). Mức thuế này không thay đổi so với mức thuế hiện hành (áp dụng từ tháng 2/2013).

Ngoài ra, sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam cũng đang bị DOC áp dụng thuế chống trợ cấp với mức thuế 31,58% (trừ một công ty bị áp dụng thuế suất riêng là 90,42%).

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 220,68% và thuế chống trợ cấp là 31,58%. Đồng thời, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Phòng vệ Thương mại để được hỗ trợ kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.