Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Việt Nam đã tiêu hủy 5 triệu con lợn vì dịch tả lợn châu Phi, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều phát hiện ổ dịch, do đó cần triển khai chiến lược ứng phó với dịch dài hạn.
Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch tả lợn châu Phi ảnh 1Lực lượng chức năng phun hóa chất khử trùng chuồng trại. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Văn phòng đại diện Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) tại Việt Nam đã phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) tổ chức hội thảo về ứng phó với dịch tả lợn châu Phi (ASF) kéo dài ba ngày từ ngày 23-25/9 tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích thảo luận và trang bị cho các cán bộ thú y Việt Nam kiến thức về dịch tả lợn, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và các nghiệp vụ thích hợp trong việc đối phó với dịch bệnh này.

Theo Cục Thú y, trong tháng Hai vừa qua, Việt Nam đã phát hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại hơn 7.600 xã của 645 huyện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong dịch bệnh này, 5 triệu con lợn đã bị tiêu hủy.

[Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng tại Điện Biên, Cà Mau]

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) cho biết, Hoa Kỳ là một quốc gia phát triển, có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường phòng thí nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực để kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, đặc biệt là các bệnh truyền lây sang người như là cúm gia cầm, dại…

“Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, một bệnh hết sức nguy hiểm đối với lợn nuôi, lợn rừng, chúng tôi đã đề nghị có văn bản gửi Hoa Kỳ đề nghị hỗ trợ Việt Nam đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực, cung cấp vật tư, trang thiết bị, kỹ thuật cho công tác chuẩn hóa xét nghiệm, hỗ trợ Việt Nam thực hiện đánh giá dịch tễ học, đường truyền lây đối với bệnh này,” ông Phạm Văn Đông cho biết.

Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch tả lợn châu Phi ảnh 2Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink cho biết, mục tiêu của hội thảo là chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ, cung cấp các kiến thức chuyên môn của các chuyên gia để nâng cao năng lực cho Việt Nam để có thể ứng phó, kiểm soát với dịch tả lợn châu Phi vì Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia đối tác chiến lược. Những chuyên gia tham gia hội thảo đều là chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh động vật truyền nhiễm khác.

“Việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi có thể đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia khác trên thế giới để có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Hoa Kỳ đã hỗ trợ thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán có giá trị 800.000 USD cho Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức nhiều chuyến đi thăm hiện trường, đánh giá thực địa, tổ chức hội thảo về tình hình dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam,” ông Daniel J.Kritenbrink nói.

Ông Daniel J.Kritenbrink nhấn mạnh, trước mắt, cần có những ứng phó trước mắt với dịch tả lợn châu Phi nhưng về trung hạn và dài hạn sẽ cần có những chiến lược để Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác tốt hơn. Đây là một bệnh dịch rất có thể sẽ quay lại chứ không thể ngăn chặn một lần là xong, do đó, chương trình hỗ trợ ứng phó với dịch tả lợn châu Phi sẽ cần một chiến lược hợp tác lâu dài trong tương lai.

Theo ông Phạm Văn Đông, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rất rộng, phủ sóng toàn bộ 63/63 tỉnh thành, hiện nay, vẫn còn gần 4.500 xã có dịch bệnh chưa qua 30 ngày. Do vậy, cần kêu gọi những nước có điều kiện, kinh nghiệm như Hoa Kỳ để chung tay hỗ trợ Việt Nam sớm kiểm soát dịch tả lợn châu Phi./.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) nói về ứng phó với dịch tả lợn châu Phi:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục