Hoa Kỳ giảm thuế chống bán phá cho tôm Việt Nam trong POR12

Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta - bị đơn bắt buộc duy nhất của đợt xem xét hành chính lần này có mức thuế là 4,58% - mức thuế áp dụng cho hơn 30 doanh nghiệp tôm còn lại là bị đơn của vụ kiện.
Hoa Kỳ giảm thuế chống bán phá cho tôm Việt Nam trong POR12 ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo nguồn tin từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo kết quả cuối cùng vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ ngày 1/2/2016-31/1/2017.

Cụ thể, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) - bị đơn bắt buộc duy nhất của đợt xem xét hành chính lần này có mức thuế là 4,58% - mức thuế áp dụng cho hơn 30 doanh nghiệp tôm Việt Nam còn lại là bị đơn của vụ kiện.

Như vậy, so với mức thuế sơ bộ của POR12 được DOC đưa ra hồi đầu tháng 3/2018 là 25,76%, mức thuế cuối cùng này đã được giảm đáng kể.

Mức thuế POR12 này cũng có chút cải thiện so mức thuế 4,78% trong POR11. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam bán tôm vào thị trường Hoa Kỳ theo giá DDP (giao hàng đã trả thuế hoặc đã thông quan nhập khẩu) đã đặt cọc tiền thuế theo mức 4,78% thì có thể thanh khoản, thu hồi được một khoản tiền, tuy không lớn.

Lý giải về mức thuế này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết khi tiến hành thẩm tra sổ sách và cơ sở vật chất tại Fimex VN, phái đoàn DOC đã nhận được đầy đủ tất cả những thông tin yêu cầu.

DOC đã xem xét khách quan các thông tin trung thực và hợp lý mà phía công ty này cung cấp. Đồng thời, xem xét lại cách tính toán biên độ phá giá trong kết quả sơ bộ của POR12 cho phù hợp hơn với thực tế.

[VASEP: Xuất khẩu thủy sản khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay]

Theo ông Lực, mức thuế này cũng nằm trong dự liệu của các doanh nghiệp, do giá trị thay thế sử dụng không còn phù hợp. Trước đây, các doanh nghiệp tôm mua và chế biến xuất khẩu sang Hoa Kỳ phần lớn là tôm sú, đồng thời nhận giá trị thay thế từ tôm sú Bangladesh.

Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, các doanh nghiệp chủ yếu chế biến và xuất khẩu tôm thẻ chân trắng và có giá thấp hơn tôm sú.

Theo yêu cầu của DOC, trong POR13 (áp dụng trong năm 2017) có hai doanh nghiệp sẽ là bị đơn bắt buộc. Hiện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tập hợp các bị đơn vụ kiện để nhờ luật sư tư vấn tìm giá trị thay thế mới là tôm thẻ cho phù hợp thực tế.

Với thực tế tôm thẻ đang được nuôi trồng và chế biến xuất khẩu khá phổ biến trên thế giới hiện nay sẽ không khó tìm số liệu. Nếu giá trị thay thế mới được áp dụng, chắc chắn mức thuế ở POR13 sẽ hết sức thấp. Về phía Công ty Fimex VN - một trong những bị đơn bắt buộc, cũng đã cung cấp tới DOC tất cả dữ liệu mà DOC yêu cầu cho POR13.

Theo VASEP, trong bảy tháng năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 312 triệu USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Thuế chống bán phá giá tăng cao được cho là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này giảm.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, việc mức thuế POR12 được điều chỉnh xuống dưới 5% sẽ giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới, nhất là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.