Kiên cường cùng cả nước và người dân địa phương "vượt bão" COVID-19, những cánh đồng hoa thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đã kịp "hồi sinh" trở lại để phục vụ Tết cổ truyền 2021.
Tấp nập và nhộn nhịp như chưa hề có COVID-19 đi qua, những bông hoa Hạ Lôi nói riêng cũng như Mê Linh nói chung đang không ngừng đua sắc chào đón các thương lái để ngược xuôi, tỏa đi khắp mọi miền đất nước mừng Đảng, mừng Xuân mới, vận hội mới.
Hoa héo úa, bỏ hoang cả cánh đồng
Mê Linh được biết đến là vùng trồng hoa có quy mô lớn của Thủ đô Hà Nội với các loại hoa được trồng phổ biến như: hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, hoa đồng tiền, hoa loa kèn... Nhìn cánh đồng hoa xanh mướt, rực rỡ hiện tại ít ai biết rằng thời điểm hơn nửa năm trước những cánh đồng hoa nơi đây đã bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhớ lại 9 tháng trước, thôn Hạ Lôi bị phong tỏa 28 ngày do có 4 trường hợp nhiễm COVID-19. Các con đường trong thôn Hạ Lôi im ắng, hầu hết người dân không ra đường, nhân viên y tế đến từng nhà điều tra dịch tễ. Trên cánh đồng hoa rộng hơn 100 ha ngày đó, mặc dù trồng hoa là nghề chính của người dân Hạ Lôi nhưng chỉ có lác đác vài người dân ra đồng chăm sóc hoa.
Nhiều vườn hoa sắp đến kỳ thu hoạch có nguy cơ bị bỏ hoang do mọi hoạt động giao thương bị ngưng trệ. Các loại hoa hồng, hoa cúc, hoa ly nở bung tàn úa và héo rũ khắp cả ruộng.
Kể lại những ngày tháng "héo mòn" vì dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Đắc (thôn Hạ Lôi) cho biết, toàn bộ diện tích hoa của gia đình bà bị mất trắng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Sau thời gian cách ly, mặc dù gia đình đã dùng nhiều biện pháp chăm sóc nhưng do bỏ hoang lâu ngày nên cây hoa hồi phục rất chậm. Đến thời điểm 20/11 vừa qua hoa mới bắt đầu cho thu hoạch trở lại và lúc đó gia đình mới đỡ lo hơn.
Có thể thấy, người dân trồng hoa huyện Mê Linh đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 do hoa không phải là mặt hàng thiết yếu, tiêu thụ rất khó khăn. Trong những ngày tháng cách ly, người dân nơi đây cho biết, thiệt hại từ việc ngừng sản xuất, thu hoạch hoa là rất lớn, nhiều hộ gia đình lỗ vốn hàng trăm triệu đồng.
Đến thời điểm 0h ngày 6/5/2020, Hà Nội chính thức gỡ lệnh cách ly đối với thôn Hạ Lôi. Ngay lập tức, niềm vui vỡ òa, những gánh hàng hoa Hạ Lôi đầu tiên đã được vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ, đánh dấu một thời điểm "hồi sinh" với người dân nơi đây.
"Vượt bão" đón Tết
Vượt lên khó khăn cùng với sự giúp đỡ, động viên của chính quyền địa phương, những cánh đồng hoa của thôn Hạ Lôi cũng như một số xã khác của huyện Mê Linh đã xanh tươi trở lại sau nhiều tháng ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Trên con đường dẫn vào xóm Bàng, cánh đồng hoa hồng đang bắt đầu nảy lộc, còn các chậu hồng cảnh cũng cho ra những búp nụ đầu tiên, cành tán sum suê. Đủ các loại hoa hồng với màu sắc bắt mắt làm bừng lên sức sống trên những cánh đồng hoa.
Không giống với gia đình bà Đắc và nhiều hộ dân khác tại thôn Hạ Lôi, gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng chủ yếu trồng hoa hồng chậu để cung cấp cho thị trường dịp Tết. Anh Hoàng chia sẻ: Thương lái những ngày này về Hạ Lôi rất nhiều, có những ngày khách đặt đông không kịp chuẩn bị hàng, anh Hoàng phải nhờ bà con đóng hàng cho khách.
"Năm 2020, dịch bệnh khó khăn, cả năm chỉ trông vào vụ Tết. Người dân trồng hoa Mê Linh rất biết ơn Chính phủ, Nhà nước và ngành y tế đã thành công trong phòng, chống dịch để đời sống nhân dân cả nước, nhất là những người trồng hoa sớm ổn định đời sống, sản xuất," anh Hoàng bày tỏ.
Cũng là một trong những hộ dân trồng hoa ở Hạ Lôi chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19, những ngày giáp Tết, nhìn vườn cúc tấp nập người mua là niềm vui lớn của gia đình chị Dương Thị Hạnh.
Chị Hạnh cho biết ngay sau khi kết thúc cách ly, gia đình chị bắt tay ra đồng dọn dẹp hoa cũ và làm đất trồng vụ hoa mới. Thời điểm này, chị đang tập trung chăm sóc mấy sào cúc với mong muốn vớt vát lại chút thu nhập để gia đình có một cái Tết no ấm, đầy đủ hơn.
Không chỉ có những cánh đồng hoa, làng hoa Mê Linh còn có nhiều nhà vườn cung cấp các giống cây cảnh và các loại hoa. Một trong số nhà vườn nổi tiếng là vườn hoa Tài Lý của ông chủ Phạm Đức Tài. Vườn của gia đình ông có nhiều loại hoa mang thương hiệu riêng mà điển hình là 5 loại cúc cổ xuất xứ từ nhiều nước khác nhau và khoảng vài nghìn gốc hồng có tuổi đời trên 50 năm.
Hằng năm, ông đều mua thêm các gốc hồng cổ. Để có được những cây hồng thế và hồng bonsai đẹp, ông Tài phải bỏ ra số vốn đầu tư khá lớn, chỉ tính riêng tiền đầu tư chậu đã lên tới hàng trăm triệu đồng và chỉ bán vào dịp Tết.
[[Video] Thuận thời tiết: đào, quất hứa hẹn mùa hoa Tết bội thu]
"Để làm một cây hoa hồng bonsai đẹp, quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm và do thị hiếu của khách hàng. Người tiêu dùng càng có điều kiện về kinh tế thì sẽ tìm đến các loại hoa tinh túy. Song, loài hoa này cũng khá kén khách, không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra 5-10 triệu đồng để mua hoa về bày ngắm," ông Tài tâm sự.
Ngoài các loại hoa hồng truyền thống, hoa hồng thế và hoa hồng bonsai của ông Tài có thể cho bông có màu sắc lạ như hoa hồng xanh. Hiện, trên thị trường, giá hồng thế nhập khẩu khoảng 2 triệu đồng/cây, còn tại vườn ở Mê Linh giá rẻ hơn nhiều nên hoa hồng thế ở đây được xuất bán quanh năm với số lượng lớn.
Ông Tài cho biết, năm được mùa thì thu 500-700 triệu đồng, những năm không được mùa ông cũng thu khoảng 300 - 400 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.
Bên cạnh niềm đam mê với hoa hồng, ông Tài cũng đang phát triển thêm các giống hoa lan biến đổi gen. Với kinh nghiệm của bản thân trong gần 30 năm trồng và chăm sóc hoa, sau 2 năm đầu tư, vườn lan của ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Không những đưa lại nguồn thu ổn định cho gia đình, vườn hoa của ông Tài còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.
"Cú hích" mới cho phát triển nông nghiệp
Nghề trồng hoa Mê Linh được hình thành và phát triển cách đây hơn 20 năm. Từ việc trồng với diện tích manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu các giống hoa truyền thống, đến nay, huyện Mê Linh đã hình thành các vùng trồng hoa tập trung với nhiều loại hoa chất lượng cao, nhiều màu sắc và độ bền hoa cắt dài ngày.
Làng hoa Mê Linh đã được công nhận làng nghề và xây dựng thương hiệu nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh nên được nhiều người tiêu dùng biết đến. Sản phẩm hoa đã có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết tổng diện tích gieo trồng hoa trên địa bàn huyện hơn 2.010 ha, tăng 5,3% so với năm 2019, diện tích canh tác hàng năm khoảng 650 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Mê Linh 200 ha, Đại Thịnh 90 ha, Văn Khê 107 ha... Trong đó, hoa hồng chiếm trên 440 ha, năng suất 173.000 bông/ha; cúc các loại 150 ha, năng suất 138.000 bông/ha; còn lại gần 60 ha là các loại hoa khác.
Đáng chú ý, bên cạnh các loại hoa cắt cành, Mê Linh mở rộng phát triển sản xuất các loại hoa chậu trang trí với khoảng 16 ha, tập trung chủ yếu tại xã Mê Linh. Việc phát triển hoa chậu là một hướng đi mới, đáp ứng nhu cầu chơi hoa cảnh, đặc biệt là vào dịp Tết và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Theo thống kê, hàng năm, huyện cung cấp khoảng 295 triệu cành hoa các loại cho người tiêu dùng Hà Nội và khắp các vùng miền của đất nước. Đáng chú ý, hoa Mê Linh đã tạo được thương hiệu và xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan.
Cũng theo lãnh đạo huyện Mê Linh, nghề trồng hoa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những người sản xuất hoa thương phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động. Cụ thể, hoa hồng các hộ dân đầu tư khoảng 250 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 350-400 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 10 lần so với trồng lúa); cúc các loại đầu tư khoảng 230 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 650 - 700 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 20 lần so với trồng lúa); hoa đồng tiền đầu tư khoảng 350 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 900-950 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 22 lần so với trồng lúa).
Đặc biệt, hoa hồng thế, đầu tư khoảng 1,9-2 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 3-3,5 tỷ đồng/ha/năm (một năm trồng 2 vụ). Với các tiềm năng vốn có, huyện Mê Linh đang từng bước tạo ra những "cú hích" mới cho phát triển nông nghiệp.
Chịu khó, dám làm và không chịu bằng lòng với thành quả hiện tại, nhiều người ngoài việc đầu tư tại quê hương, đã thuê đất mở rộng sản xuất hoa tại các tỉnh thành khác. Hiện đã có gần 30 hộ gia đình mang thương hiệu hoa Mê Linh lên Sa Pa (Lào Cai) và Sơn La.
Việc mở rộng diện tích trồng hoa ở các địa phương khác là một trong những nỗ lực, quyết tâm của những người dân Mê Linh với tư duy không chịu "ngồi yên."
Chia sẻ về định hướng sản xuất hoa trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, huyện vẫn khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất hoa cho hiệu quả kinh tế cao; quan tâm chuyển đổi cơ cấu giống hoa; trong đó, chú trọng các loại hoa có năng suất, chất lượng cao.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tập huấn cho nông dân về quy trình, kỹ thuật sản xuất và bảo quản hoa sau thu hoạch, huyện sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng sản xuất; duy trì nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh và xây dựng chợ đầu mối hoa, nông sản cấp vùng để giúp người dân thuận tiện trong việc tiêu thụ, giao thương hàng hóa.
Lợi thế ven đô cùng với nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp và du lịch bài bản, hiệu quả cao, tới đây, bên cạnh việc tập trung phát triển các khu du lịch tâm linh, văn hóa và trải nghiệm, Mê Linh sẽ có thêm loại hình du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn với ý tưởng đô thị xanh và hoa./.