Hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần phải chuẩn bị sớm từ bây giờ để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuẩn bị cho chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3.
Hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 19/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 7.

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sau hai ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình.

Đối với dự thảo Nghị quyết quy định về việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có nghiên cứu thêm để bảo đảm tính thuyết phục, tăng cường tính trang nghiêm trong hoạt động xét xử, nâng cao chất lượng xét xử, đồng thời phù hợp với tính chất của hội thẩm nhân dân, phân biệt với các thẩm phán của các cơ quan của tòa án.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sớm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận của phiên họp lần này, đặc biệt là nội dung ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với danh mục các dự án phân bổ vốn ODA như vốn đầu tư công trung hạn.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách phối hợp với Văn phòng Quốc hội tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận cụ thể hơn.

Nhấn mạnh đây là Phiên họp đầu năm 2022, đồng thời cũng là thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thống kê, đánh giá kỹ hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2021 để có định hướng về công tác của năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh từ nay đến Tết Nhâm Dần còn nhiều việc phải làm, đó là chuẩn bị cho Phiên họp thứ 8 và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

[Không để việc cách ly người về quê ăn Tết 'mỗi nơi một kiểu']

Đối với nội dung xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 3, trong đó có việc trình Quốc hội xem xét để thông qua các dự án luật đã thảo luận trong Kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến lần đầu đối với các dự án luật trình lần đầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sớm nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp lịch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm chủ động trong công tác chuẩn bị.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần phải chuẩn bị sớm từ bây giờ để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuẩn bị cho chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến vào tháng 5/2022 tới.

Trước đó, chiều cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị sửa đổi nghị quyết về trang phục của thẩm phán, hội thẩm nhân dân.

Theo quy định hiện hành, khi xét xử, thẩm phán mặc áo choàng, hội thẩm nhân dân mặc thường phục; thẩm phán có phù hiệu, hội thẩm nhân dân không có phù hiệu.

Hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 2Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tòa án Nhân dân Tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 ngày 13/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục của thẩm phán, hội thẩm nhân dân; giấy chứng minh thẩm phán, giấy chứng minh hội thẩm theo hướng quy định hội thẩm nhân dân cũng mặc áo choàng khi xét xử và có phù hiệu như thẩm phán.

Theo lý giải của Tòa án Nhân dân Tối cao, việc áp dụng về trang phục xét xử như hiện hành tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong tổ chức phiên tòa; phân biệt về vị trí, vai trò giữa các thành viên hội đồng xét xử; làm hạn chế tính tôn nghiêm, sự chuyên nghiệp của phiên tòa; không thống nhất với việc tổ chức phiên tòa tại Tòa án quân sự (cả thẩm phán và hội thẩm khi xét xử tại Tòa án quân sự đều sử dụng quân phục).

Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng việc sửa đổi như đề xuất nêu trên nhằm thể hiện rõ hơn vị trí, vai trò của cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án của tòa án; đề cao sự tôn vinh của xã hội với hội thẩm tham gia xét xử; nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thẩm trong việc tham gia xét xử.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp nhất trí với đề nghị của Tòa án Nhân dân Tối cao. Tuy nhiên, một số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp lại không nhất trí cấp áo choàng làm trang phục xét xử cho hội thẩm nhân dân, vì thẩm phán là cán bộ, công chức của tòa án, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ chính là xét xử, còn hội thẩm nhân dân được hội đồng nhân dân bầu để tham gia xét xử. Hội thẩm nhân dân đại diện nhân dân tham gia xét xử tại tòa án, nên trang phục của hội thẩm nhân dân phải phù hợp và gần gũi với nhân dân, mang “tính nhân dân."

Văn bản tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc; Thường trực Ủy ban Đối ngoại; Thường trực Ủy ban Xã hội; Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị không cấp áo choàng làm trang phục xét xử cho hội thẩm nhân dân như một số ý kiến của Ủy ban Tư pháp.

Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất rằng trang phục xét xử của thẩm phán và của hội thẩm nhân dân cần khác nhau. Trang phục xét xử của thẩm phán cần bảo đảm tính uy nghiêm. Trang phục của hội thẩm nhân dân cần có tính thân thiện…

Các ý kiến cũng cho rằng hội thẩm nhân dân cũng cần có trang phục thống nhất khi xét xử, để vừa bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, bảo đảm tính chính quy, chuyên nghiệp của phiên tòa, đồng thời vừa bảo đảm “tính nhân dân” của hội thẩm.

Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu tham dự phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa biểu quyết dự thảo nghị quyết, giao lại để Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục