Hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ

Các chính sách được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 43 có tính chiến lược trong việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, mang tính nhân văn.

Toàn cảnh phiên họp. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam)
Toàn cảnh phiên họp. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam)

Sáng 4/4, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát về "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023" đã chủ trì Phiên họp thứ ba của Đoàn giám sát, cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết.

Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy việc ban hành Nghị quyết 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoàn cảnh tình hình kinh tế-xã hội đất nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Các chính sách được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 43 có tính chiến lược trong việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, mang tính nhân văn, động viên tinh thần cho người dân, doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn huy động khác để vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế, giúp kinh tế có những bước phục hồi, phát triển tích cực, được đông đảo nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân, các thành phần kinh tế đồng thuận hưởng ứng.

Trong các năm 2022-2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác được điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ bảo đảm tính khả thi, kịp thời, hiệu quả; thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 như chính sách tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, miễn giảm gia hạn thuế… đã phát huy tác dụng tích cực giúp người dân, doanh nghiệp tiết giảm chi phí, duy trì dòng tiền, vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số chính sách khi được cụ thể hóa chưa bảo đảm bám sát quan điểm "nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh."

Tại một số địa phương, việc thực hiện chính sách chậm do hướng dẫn thiếu cụ thể hoặc một số chính sách phải hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện; sau đại dịch, nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp…

Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn được triển khai trong bối cảnh thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội từng bước, số lượng hồ sơ nhiều, thiếu cơ sở để kiểm tra, xác minh nên đã dẫn đến việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, dễ phát sinh trường hợp trùng hưởng chính sách.

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Tổ giúp việc đã nỗ lực tổng hợp, rà soát từ báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết, đưa ra được nhiều vấn đề cốt lõi về chuyên đề giám sát của Quốc hội.

Một số ý kiến cho rằng dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết cần bám sát 5 quan điểm, 3 mục tiêu, chỉ tiêu được Nghị quyết số 43/2022/QH15 đưa ra để đánh giá về kết quả triển khai thực hiện thời gian qua; cần nhấn mạnh tinh thần, quyết tâm của Quốc hội trong việc ban hành chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống.

chinh sach tai khoa 2.jpg
Toàn cảnh phiên họp. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam)

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Quốc hội đã đưa ra những chính sách đặc biệt, chưa bao giờ cơ chế được gợi mở, thông thoáng như vậy. Quốc hội cũng ưu tiên tất cả các nguồn lực đồng thời giao cho Chính phủ quyền chủ động để triển khai thực hiện.

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn các bài học kinh nghiệm về quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách; bổ sung kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư…

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Tổ giúp việc hoàn thành một bước dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ trong hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Đoàn giám sát và Tổ giúp việc tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường phối hợp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung thời gian, công sức để hoàn thiện các tài liệu liên quan, phục vụ phiên họp sắp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục