Hoàn thiện Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh: Đảm bảo tự lực, tự cường

Khẳng định việc ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là cần thiết, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong phiên làm việc chiều nay, 28/11, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo tự chủ, tự lực, tự cường, thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng an ninh của Việt Nam.

Phù hợp với yêu cầu mới

Bày tỏ sự tán thành cao sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển Công nghiệp Quốc phòng và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh công nghiệp Quốc phòng, 20 năm thực hiện Pháp lệnh động viên công nghiệp và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay.

Đây cũng là ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Thống nhất với sự cần thiết xây dựng luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí kỳ vọng sau khi dự thảo Luật được thông qua sẽ thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng, an ninh Việt Nam phát triển, đảm bảo cho tự cường, tự lực, tự chủ, chuẩn bị vũ khí trang thiết bị cho quốc phòng và an ninh.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh vận động viên công nghiệp có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cơ sở thực tiễn như trình bày trong hồ sơ dự thảo luật. Cụ thể, về mục đích, Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp trong trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, Luật cũng nhằm phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; huy động các thành phần kinh tế doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân...

281120230447-nguyễn-lâm-thành.jpg
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặc biệt đồng tình với mục đích huy động các thành phần kinh tế doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này nhằm làm cho nền công nghiệp quốc phòng được mạnh hơn, bền vững hơn và mục đích này đã được cụ thể hóa bởi một số điều luật, đặc biệt là Điều 35 quy định rất cụ thể, chặt chẽ.

Đại biểu cũng cho rằng quá trình xây dựng luật dự án luật công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp cho thấy ban soạn thảo đã tiến hành công việc rất nghiêm túc, khoa học và trách nhiệm.

Cần thêm cơ chế đặc thù

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng để xây dựng một nền quốc phòng, an ninh vững mạnh, hiện đại, thì cơ sở pháp luật phải rõ ràng, khoa học.

Nêu vấn đề cụ thể, đại biểu cho biết khoản 6 Điều 4 có quy định tránh đầu tư trùng lặp những gì mà công nghiệp quốc phòng làm được, thì công nghiệp an ninh không đầu tư. Đại biểu cho rằng nguyên tắc này đúng về chủ trương, nhưng khó thực hiện trên thực tế, bởi liên quan đến việc xác định nhiệm vụ cụ thể trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết quy định về vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, động viên công nghiệp mới chỉ quy định chung, chưa chỉ rõ phạm vi. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần tách khái niệm công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh để quy định ở hai khoản thay vì quy định chung trong một khoản.

Phan Van Giang.jpg
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại biểu cũng đề nghị cần quy định giao Chính phủ ban hành nhóm danh mục chủ yếu về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, ban hành danh mục hoạt động, quy trình lập kế hoạch thẩm định đồng thời có sự phân loại tương đối giữa các hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh quan trọng, mang tính chủ đạo với hoạt động công nghiệp mang tính thông thường, lưỡng dụng, gắn với phát triển kinh tế xã hội.

Cần làm rõ khái niệm công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh cũng là đề nghị của một số đại biểu tại hội trường. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, đặc biệt là phát triển nhân lực.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề nghị bổ sung chính sách đặc thù, đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; đầu tư nâng cao chất lượng các trường đại học, học viện, các viện, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ quốc phòng, an ninh.

“Đặc biệt, cần có cơ chế để tuyển cử thẳng và chính sách ưu đãi cao hơn cho các em học sinh giỏi từ trung học phổ thông theo học các ngành nghề đào tạo kỹ thuật mũi nhọn cho quốc phòng, an ninh,” đại biểu tỉnh Bình Dương nói.

Cũng đề cập đến cơ chế đặc thù, đại biểu Khuất Việt Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị dự thảo Luật bổ sung nhiều chính sách đặc thù vượt trội nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đó là xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã giải trình một số vấn đề đại biểu nêu đồng thời cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu để rà soát, hoàn thiện dự thảo luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục