Trong không khí cả dân tộc chuẩn bị đón Tết cổ truyền Mậu Tuất 2018, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ về những thành tựu cũng như các nhiệm vụ, công việc trọng tâm mà Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế-văn hóa-xã hội của cả nước thực hiện trong năm 2018.
- Thưa Bí thư Thành ủy, năm 2017 được coi là một năm thành công và đạt được nhiều thành tựu của Thành phố Hồ Chí Minh, vậy những thành tựu đó được thể hiện trong những lĩnh vực nào?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Cùng với cả nước, năm 2017 là năm Thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp chung vào thành tựu của cả nước.
Thành phố tiếp tục là đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với mức tăng trưởng 8,25% (năm 2016, tăng trưởng đạt 8,05%). Điều đó góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của thành phố với cả nước (vẫn giữ vững gần 22%). Thu ngân sách đóng góp bình quân 27-28% ngân sách cả nước.
Năm 2017, chỉ tiêu giao thu ngân sách cho thành phố khá nặng, hơn 347.000 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi ngày không kể chủ nhật, cả thành phố có trách nhiệm đóng góp ngân sách chung cả nước 1.000 tỷ đồng. Kết thúc năm, chúng ta đã đạt và vượt chỉ tiêu này, điều này rất có ý nghĩa cho phát triển cả nước và của thành phố.
Thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2017 đạt 6,3 tỷ USD, tăng hơn 85% so với năm 2016, đây là kết quả rất đáng khích lệ. Nhờ vậy tổng đầu tư nước ngoài của thành phố năm 2017 chiếm 18%, tăng 5% so với năm trước.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục được giữ vững và nâng cao chất lượng. Đặc biệt năm vừa rồi có hai sự kiện lớn là kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ và 100 năm Cách mạng tháng Mười, tổ chức nhiều hoạt động được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Ngoài ra còn các hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Lào và 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Campuchia. Vấn đề trật tự trị an, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đó là những thành tựu nổi bật.
- Từ những kết quả trên, theo ông những vấn đề nào được đánh giá có ý nghĩa, bước đột phá quan trọng đối với thành phố?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Dưới góc độ quản lý thành phố, chúng ta đã tạo được những đổi mới đầu vào rất quan trọng và phải phát huy được tác dụng trong năm 2018 và sau này.
Thứ nhất, chúng ta đã quan tâm tìm cơ chế tạo vốn cho thành phố. Bấy lâu nay, vấn đề rác người dân rất bức xúc, phương pháp chôn là chủ yếu. Nay thành phố quyết tâm, thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, giảm tỷ lệ rác chôn từ 76% năm 2016 xuống còn 50% vào năm 2020 và xuống còn 20% vào năm 2025. Vậy làm như thế nào? Hướng cơ bản là kêu gọi đầu tư biến rác thành điện.
Tháng 12/2017 vừa qua, lần đầu tiên chúng ta tổ chức, cũng là lần đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị kêu gọi nhà đầu tư biến rác thành điện. Đây là những công nghệ vào loại tiên tiến nhất thế giới. Như vậy là không có chôn nữa và thực hiện từ nguồn vốn của xã hội.
Tiếp đó, vào tháng đầu tháng 2/2018, thành phố đã tổ chức hội nghị giới thiệu các dự án chỉnh trang kênh rạch với mục tiêu 20.000 nhà kênh rạch phải giải quyết trong 5 năm, trong đó kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào công tác này theo hướng xã hội hóa. Đây là giải pháp xã hội hóa để giải quyết các vấn đề bức xúc là rác và nhà ở trên kênh rạch.
Nhóm giải pháp đầu vào thứ hai là cơ chế phát triển mà Quốc hội đã thông qua tại Nghị quyết số 54/2017/QH 17 ngày 24/11/2017. Nghị quyết 54 không cho Thành phố tiền mà cho cách làm để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và khi có kết quả tốt hơn thì chúng ta có điều kiện để đầu tư, chăm lo cho đồng bào, cán bộ công chức tốt hơn. Đây là đổi mới thể chế đầu vào.
Ba là, năm 2017 chúng ta đã công bố Đề án đô thị thông minh. Đại hội X Đảng bộ Thành phố có 7 chương trình, đề án chúng ta đã biết, 7 cái đó chúng ta đang làm nhưng có những khó khăn nhất định thì cơ chế đặc thù của Quốc hội đã cho giải quyết một phần, còn chúng ta bổ sung thêm là công bố Đề án đô thị thông minh. Đây là thay đổi về cách làm chứ không phải thêm tiền. Bằng đề án này, nhiều khả năng sẽ quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo, ngăn chặn bớt việc “giật mình” trong quá trình phát triển thành phố, chúng ta có thể lường trước.
Thứ tư là, Thành ủy đã phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương có Quyết định 1374 về xử thông tin nhân dân phản ánh, liên quan đến tập thể cá nhân có những biểu hiện vi phạm phẩm chất đạo đức, luật pháp cũng như quy định của Đảng thì phải có nơi tiếp thu. Có 4 cơ quan là chính quyền các cấp, Mặt trận, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, các cấp ủy và 4 nguồn thông tin là từ báo chí, tiếp xúc cử tri, khiếu nại tố cáo của dân và thông tin giám sát của Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Nhân dân. Đây là lần đầu tiên chúng ta có quy định này.
Như vậy, trong năm 2017 bên cạnh các thành tựu về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh thì chúng ta có 4 nội dung hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của thành phố mà chúng tôi thấy là rất có ý nghĩa.
- Từ những kết quả đạt được trong năm 2017, theo ông trọng tâm năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta biết rằng năm 2018 là năm bản lề đối với Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ, đặc biệt là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017).
[TP Hồ Chí Minh lập “hàng rào” ngăn thực phẩm bẩn dịp Tết Nguyên đán]
Song song đó, Thành phố rà soát 7 chương trình Đại hội X của Đảng bộ thành phố, đánh giá tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới, có bổ sung một số giải pháp mới.
Cụ thể là Nghị quyết 54 đã điều chỉnh cách vận hành của thành phố; xây dựng đô thị thông minh. Mặt khác, cùng với song song đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo của thành phố tích hợp các Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.
Nổi bật là Khu Công nghệ cao ở Quận 9, Quận 2 là khu đô thị mới với trung tâm tài chính sẽ hình thành và quận Thủ Đức với 12 trường đại học trên 1.500 tiến sĩ giảng viên, 70.000 sinh viên thành trung tâm đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người, làm hạt nhân để Thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Như vậy, có thể thấy bên cạnh 7 chương trình đột phá của Thành phố, từ 2018 trở đi sẽ có thêm 3 chương trình lớn nữa mà Thành phố phải quyết liệt tập trung thực hiện.
Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hoá" trong nội bộ, phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
- Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nổi bật của Thành phố trong năm 2017. Vậy Thành phố sẽ khiển khai các nội dung này như thế nào?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Nghị quyết 54 của Quốc hội nhằm thực hiện Kết luận 21 của Bộ Chính trị ngày 24/10/2017 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16 ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Sau khi Quốc hội thông qua, trong vòng hơn một tháng, Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua toàn bộ các văn bản cần thiết để triển khai Nghị quyết.
Thành ủy có Nghị quyết 8, trên cơ sở đó, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết 25 triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó xác định những việc phải làm và lộ trình thời gian sắp tới. Ủy ban Nhân dân đã công bố kế hoạch xác định 21 đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 54.
Trong năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị thông qua một số nhóm giải pháp quan trọng.
Trước hết, về vấn đề thực hiện ủy quyền và phân cấp, việc này không tốn tiền, phải làm sớm, dự kiến trong tháng Ba này có thể trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, thông qua.
Thứ hai, tháng Tư thông qua Đề án quản lý doanh nghiệp Nhà nước; tiếp đó, sắp xếp tên gọi một số đơn vị thuộc đơn vị Nhà nước. Tháng Năm trình Đề án điều chỉnh tên gọi các tổ chức trực thuộc sở ngành của thành phố.
Một vấn đề mà lãnh đạo và người dân Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm là sắp xếp lại các ban quản lý của thành phố và quận huyện, thu hẹp một số ban và điều chỉnh tên phù hợp.
Liên quan đến tài chính, Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép trên cơ sở tăng năng suất, hiệu quả của Thành phố và tiết kiệm thì có thể tăng thu nhập cho cán bộ công chức. Vấn đề này Thành phố sẽ thực hiện trong thời gian sớm, thành phố cũng sẽ điều chỉnh bổ sung một số lệ phí (như phí bảo vệ môi trường, nước thải công nghiệp...).
Ngoài ra, Quốc hội cho phép thành phố huy động vay xã hội, phát hành trái phiếu địa phương.
Dự kiến, tháng Chín năm nay sẽ đề xuất vay bổ sung qua phát hành trái phiếu tạo động lực cho phát triển.
Tôi tin rằng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thấy được trách nhiệm trước Quốc hội và nước để phát huy cơ chế đặc thù để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và qua đó đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
- Nhân dịp đón Tết cổ truyền Mậu Tuất 2018, ông gửi gắm điều gì tới cán bộ, đảng viên và đồng bào thành phố?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2018, đối với đồng bào cả nước và đặc biệt với Thành phố Hồ Chí Minh là kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ý chí tiến công, sự hy sinh dũng cảm, xả thân vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì hòa bình cho mọi người dân Việt Nam của lực lượng vũ trang, của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn-Gia Định, của các má, các anh chị, các em vùng ven, cũng như vùng nội đô vẫn sống mãi trong trái tim và khối óc của người Việt Nam.
Vì vậy, bước vào năm 2018 chính là năm với khí thế của Mậu Thân, là tình cảm, là trách nhiệm với những người đã hy sinh để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Sau 42 năm độc lập tự do, thống nhất, thì năm 2018 là năm thể hiện Việt Nam từ đất nước hoang tàn đổ nát đã trở thành một quốc gia phát triển, đất nước hòa bình, ổn định chính trị, là đối tác tin cậy có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế cũng như trong khối ASEAN.
Trong sự vươn lên đó của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh với truyền thống đoàn kết, kiên cường, sáng tạo, nghĩa tình có đóng góp không nhỏ. Nếu chúng ta quan sát trong sự phát triển thế giới hai ba năm gần đây thì thấy thế giới đang có sự chuyển biến về chính trị cũng như kinh tế.
Thời cơ mới đi kèm với thách thức mới. Để Việt Nam cất cánh cao hơn, nhanh hơn, để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước thì mỗi đảng viên, công chức, người lao động thành phố, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu cần đoàn kết hơn, kiên cường hơn, sáng tạo hơn, nghĩa tình hơn.
- Xin cám ơn ông./.