Hoàn thiện việc quản lý tài nguyên, môi trường qua kết quả Kiểm toán Nhà nước

Các kết quả của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là cơ sở giúp các cơ quan tham mưu rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đảm bảo công tác quản lý Nhà nước trong quản lý tài nguyên, môi trường.

Kết quả của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản những năm vừa qua. (Ảnh: Vietnam+)
Kết quả của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản những năm vừa qua. (Ảnh: Vietnam+)

Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép còn diễn ra khá phổ biến, gây thất thu ngân sách, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường… đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.

Thực tế này đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ trong các cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản những năm vừa qua.

Nợ tiền ký quỹ hơn 100 tỷ đồng

Theo đó, kết quả kiểm toán công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Trong đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chưa xử lý vi phạm khi các đơn vị (tại nhiều địa phương) thực hiện không đầy đủ việc nộp tiền hoàn trả chi phí sử dụng kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư.

Thêm vào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường không ban hành các văn bản yêu cầu các tỉnh báo cáo kết quả hoàn trả chi phí để tổng hợp theo quy định. Điều đó dẫn đến việc 60/63 tỉnh cũng không gửi thông tin phê duyệt kết quả xác định chi phí hoàn trả đối với các giấy phép khai thác khoáng sản do tỉnh cấp.

Tại thời điểm ngày 31/12/2021, các đơn vị tại nhiều địa phương còn nợ thuế Tài nguyên môi trường 98,5 tỷ đồng và phí Bảo vệ môi trường gần 56,7 tỷ đồng. Tổng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường do 10 tỉnh chưa nộp tính đến 31/12/2021 là gần 117,8 tỷ đồng. Song, Kiểm toán Nhà nước lưu ý đến nay chưa có trường hợp tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt khi không thực hiện ký quỹ hoặc ký quỹ không đầy đủ kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Về phía Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, cơ quan này cũng chưa ban hành Quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo; chưa xác định tiền tương đương với giá trị khoáng sản đã tiêu thụ cần phải tịch thu theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 138/QĐ-XPVPHC ngày 26/02/2021. Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, các hành vi vi phạm của các đơn vị do Đoàn thanh tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản phát hiện tại các tỉnh cũng vẫn chưa được xử lý.

Các cơ quan tham mưu chưa tròn trách nhiệm

Trong khuôn khổ cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại các cơ quan tham mưu trên địa bàn các tỉnh trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản. Nhiều địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là sự phối hợp giữa Cục Thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường. Chính vì sự phối hợp thiếu chặt chẽ đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã không lập được báo cáo tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước theo đúng quy định. Do đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chấn chỉnh công tác này.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các bộ, ngành và địa phương không thực hiện báo cáo tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản; Không báo cáo về việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo về công tác bảo vệ môi trường; Không xử lý các tỉnh chưa thực hiện tính tiền hoàn trả chi phí sử dụng kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản.

vnp-khoang-san-432.jpg
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chưa lập được báo cáo tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước. (Ảnh: Vietnam+)

Về công tác phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số tồn tại. Trong đó, một số địa phương chưa tổng hợp số liệu hàng năm về công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại tỉnh trình Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thực tế kiểm toán cũng cho thấy còn tình trạng hằng năm, các tỉnh, Bộ, ngành không thực hiện nộp Báo cáo tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản, cũng như Báo cáo về việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, kiến nghị chính sách quan trọng được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và chỉ ra qua cuộc kiểm toán này là những vướng mắc giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Khoáng sản năm 2010. Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu với Chính phủ sửa đổi một số nội dung để đảm bảo sự phù hợp trong quy định pháp luật liên quan đến trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách

Từ các kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường-Trần Quý Kiên cho rằng đây là cơ sở giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đảm bảo công tác quản lý Nhà nước ngày càng tốt hơn, góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền lực, lách luật dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cụ thể, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết với những kiến nghị của Kiểm toán, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tiếp thu đề xuất các nội dung quy định trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều trong lĩnh vực khoáng sản và đang trình Chính phủ xem xét, ban hành tại Tờ trình số 83/TTr-BTài nguyên và Môi trường ngày 20/10/2023. Hay, các vấn đề kiến nghị tại Thông tư số 01/2016/TT-đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu vào dự thảo Thông tư sửa đổi và đang được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, trước khi ban hành.

vnp-san-lap-6116.png
Các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tài nguyên và môi trường. (Ảnh: Vietnam+)

Đối với lĩnh vực môi trường, thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động tại các địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã có những kiến nghị để thể chế hóa và bổ sung các quy định phù hợp với tình hình hoạt động thực tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiếp thu bổ sung đưa vào quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022, trình Chính phủ, Quốc hội bổ sung quy định về kiểm toán môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhằm tăng cường năng lực quản lý và giúp doanh nghiệp nhận biết các lỗ hổng, để có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường hiệu quả hơn.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho hay các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý. Bộ đã tiếp thu để thực hiện lập các quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm hiện nay, quy hoạch chung của cả nước và 8/13 quy hoạch sông liên tỉnh, 5 quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh đã được phê duyệt, đối

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ cũng đã thể chế hóa trong các quy định tại Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn Luật để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

“Các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tài nguyên và môi trường, thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, tạo tiền đề cho sự phát triển và minh bạch nền tài chính quốc gia,” Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục