Tiếp nối năm 2021, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2022 góp phần quan trọng vào việc tạo dựng hình ảnh một Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ trong phát triển kinh tế-xã hội.
Những đóng góp đó được thể hiện qua những chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo, các Ủy ban của Quốc hội, tới các nước láng giềng, đối tác quan trọng; các hoạt động tích cực, trách nhiệm tại diễn đàn nghị viện đa phương và gặp gỡ, tạo thuận lợi về chính sách, pháp luật đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Nhìn lại những dấu ấn trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2022, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài “Đối ngoại Quốc hội phục vụ phát triển đất nước."
Bài 1: Phát huy lợi thế ngoại giao nghị viện
Năm 2022 ghi dấu nhiều hoạt động đối ngoại sôi động trên tất cả các kênh, trong đó hoạt động đối ngoại của Quốc hội có những đóng góp quan trọng.
Các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần nâng cao vị thế đất nước, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.
Làm sâu sắc quan hệ hợp tác với nghị viện các nước đối tác
Năm 2022, Quốc hội Việt Nam đã đón hàng chục đoàn Quốc hội các nước đến thăm, trong đó có 6 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội như Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ (tháng Tư), Chủ tịch Quốc hội Singapore (tháng Năm), Chủ tịch Quốc hội Mozambique (tháng Sáu), Chủ tịch Quốc hội Campuchia (tháng Chín), Chủ tịch Thượng viện Campuchia (tháng 10) và Chủ tịch Thượng viện Pháp (tháng 12).
Bên cạnh đó là các cuộc hội đàm trực tuyến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba (tháng Ba), Chủ tịch Thượng viện Liên bang Mexico (tháng Bảy); cùng với đó là hàng loạt chuyến thăm chính thức song phương của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội; tích cực tham dự, đóng góp tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.
Những hoạt động này đã khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
2022 là một năm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt Nam-Lào và quan hệ Việt Nam-Campuchia. Việt Nam đã cùng nước bạn Lào tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022).
Với Campuchia, hai nước đã tổ chức “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022” kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967-24/6/2022).
[Thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Campuchia]
Trong không khí sôi động của các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa Việt Nam với hai nước, các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Lào (tháng 5/2022) và Campuchia (tháng 11/2022) cùng các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Quốc hội hai nước này, đã tạo những dấu ấn đặc biệt trong tiến trình thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện hai nước.
Sự kiện ngoại giao nghị viện tiêu biểu năm 2022 là bên lề Đại hội đồng AIPA-43 tại Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cùng Chủ tịch Quốc hội Campuchia và Chủ tịch Quốc hội Lào ký Tuyên bố chung thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam; thông qua quy trình, thủ tục của Hội nghị trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác và phối hợp cùng nhau giám sát việc thực hiện các chương trình hợp tác của Chính phủ ba nước đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, thiết thực và bền vững.
“Cơ chế này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay để Quốc hội ba nước phối hợp hành động, thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa Chính phủ ba nước, phối hợp cùng nhau giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác giữa ba nước đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, thiết thực. Việc hình thành cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước thể hiện sâu sắc tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ để chúng ta cùng đạt được mục tiêu phát triển bền vững," Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà nhấn mạnh.
Nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, duy trì và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương; khẳng định sự coi trọng của Việt Nam với các nước đối tác, một trong những dấu ấn đậm nét của đối ngoại Quốc hội năm 2022 đó là các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới 5 nước đối tác, gồm 1 Đối tác toàn diện (Hungary), 4 Đối tác chiến lược (Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Philippines, New Zealand, Australia); đồng thời là các chuyến thăm Việt Nam của các Chủ tịch Quốc hội/Hạ viện/Thượng viện các nước: Ấn Độ (tháng 4), Singapore (tháng 5), Mozambique (tháng 6), Pháp (tháng 12).
Bên cạnh đó, kết quả chuyến thăm song phương của các Phó Chủ tịch Quốc hội trong năm qua cũng mang lại những thành công ngoài mong đợi.
Bên cạnh các thỏa thuận hợp tác nghị viện là những trao đổi, thỏa thuận hợp tác thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa; tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau, tận dụng những ưu đãi của các Hiệp định thương mại tư do song phương, đa phương, qua đó góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước.
Đơn cử như trong khuôn khổ chuyến thăm Australia và New Zealand là hai đối tác quan trọng của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự hai diễn đàn về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, 2 diễn đàn về hợp tác giáo dục và chứng kiến lễ ký 22 biên bản ghi nhớ giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo của hai nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đại biểu tham dự các diễn đàn đều đánh giá tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo và thương mại-đầu tư là rất lớn, đồng thời mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác với Việt Nam. “Tôi tin là sau các diễn đàn này sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư của Australia và New Zealand đến với Việt Nam," ông Bùi Văn Cường nói.
[10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022]
Năm 2022 cũng ghi nhận các hoạt động đối ngoại nghị viện đa phương sôi động của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện như AIPA, IPU, APPF, APF…, trong đó đáng chú ý có chuyến tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) tại Phnom Penh, Campuchia, tháng 11/2022 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, phát biểu và các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội tại AIPA-43 đã nhận được sự chia sẻ, nhất trí của các đại biểu tham dự bởi đã phản ánh được ý chí chung của nghị viện các nước thành viên, cũng là ý chí chung của người dân ASEAN, đồng thời khẳng định sâu sắc cam kết của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trong việc tiếp tục đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển khu vực.
Như vậy, dù là qua các chuyến thăm song phương hay diễn đàn nghị viện đa phương, đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã chủ động tận dụng tối đa lợi thế của ngoại giao nghị viện, vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân để kết nối với cơ quan lập pháp các nước, tạo đồng thuận hỗ trợ về cơ chế chính sách, pháp luật cho các Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh hợp tác, giao lưu, đầu tư vì lợi ích phát triển bền vững của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
Gắn kết đồng bào ta ở nước ngoài với Tổ quốc
Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao.
Đồng bào Việt Nam ở nước ngoài ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, tri thức và nguồn lực “mềm," xây dựng thương hiệu quốc gia, là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Thời gian qua, công tác thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng đối với người Việt Nam ở nước ngoài thành các chính sách, pháp luật được Quốc hội quan tâm, triển khai mạnh mẽ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào ở xa Tổ quốc gắn bó và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Trong chuyến thăm chính thức các nước láng giềng, đối tác quan trọng trong khu vực và trên thế giới, Lãnh đạo Quốc hội và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam luôn dành thời gian thăm, nói chuyện với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại. Đây có thể coi là những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi các vướng mắc được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giải đáp, tháo gỡ tại cuộc nói chuyện với đại diện kiều bào trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Lào, ông Dương Đình Bảng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào nói: “Chủ tịch Quốc hội đưa ra vấn đề mà các doanh nghiệp chúng tôi rất phấn chấn, tạo ra một tinh thần mới. Đó là sự quan tâm của tất cả các cấp, các ngành, nhất là Quốc hội, Chính phủ. Tôi tin tưởng rằng sẽ có những thay đổi mới, tạo cho doanh nghiệp chúng tôi điều kiện, môi trường để kinh doanh, sản xuất tốt hơn."
Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã thành lập Tiểu ban Công tác người Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất giúp Ủy ban Đối ngoại, Thường trực Ủy ban Đối ngoại về công tác bảo hộ công dân; công tác quốc tịch, hộ tịch; cư trú, nhà ở; lao động, học tập, đầu tư và các lĩnh vực khác có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, các nội dung liên quan đến chính sách, pháp luật, thi hành pháp luật liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Với mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp, trao đổi của đồng bào, năm 2022, Ủy ban Đối ngoại triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài."
Tọa đàm trao đổi về chính sách, pháp luật quốc tịch với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc được tổ chức ngày 12/7/2022 đánh dấu bước khởi đầu của chuỗi các hoạt động trao đổi, tiếp xúc trực tuyến, trực tiếp với cộng đồng người Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, do Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức.
Tiếp nối thành công này, ngày 9/9/2022, Tọa đàm về chính sách, pháp luật với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu tiếp tục được tổ chức, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ gần 20 điểm cầu tại các quốc gia có đông người Việt Nam định cư như Anh, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, Hungary, Séc.
Tại tọa đàm, một số đại biểu đề nghị xem xét mở rộng quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời giúp tháo gỡ các vướng mắc trong việc cho tặng, nhận thừa kế, chuyển nhượng..., phát huy tốt nguồn vốn đầu tư của kiều bào; về cơ chế thu hút, ưu đãi hơn về quỹ đất cho người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Những vấn đề được đưa ra tại các tọa đàm là những vấn đề rất cụ thể, sát sườn với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là cơ sở để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quốc hội trong việc xây dựng, sửa đổi hoặc ban hành các chính sách, pháp luật về công tác người Việt Nam ở nước ngoài sát với thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn, kinh doanh và đầu tư tại quê hương, góp phần thu hút nguồn lực về tri thức, kinh tế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định: “Chúng tôi sẽ cùng nhau tổ chức thêm một số cuộc nữa, đến khi nào nghe được đầy đủ những phản ánh, tâm tư nguyện vọng của các cô bác người Việt Nam ở nước ngoài, để chúng ta có thể có cơ sở đề xuất giải quyết những nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến vấn đề quốc tịch, đầu tư, sản xuất kinh doanh… để thực sự cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam."
Có thể nói, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2022 đã rất thành công, tạo đà để năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chương trình hoạt động của Quốc hội, công tác đối ngoại Quốc hội tiếp tục phát huy những thế mạnh và đặc trưng riêng có, thiết thực phục vụ phát triển đất nước./.
Đón đọc bài 2: Sôi động, thực chất và hiệu quả