Hoạt động khoan dầu của Mỹ suy giảm đẩy giá dầu châu Á đi lên

Phiên sáng 3/7, giá dầu châu Á tăng do hoạt động khoan dầu của Mỹ lần đầu suy giảm trong nhiều tháng qua, mặc dù sản lượng gia tăng từ OPEC đã phần nào kiềm chế đà tăng của giá dầu.
Hoạt động khoan dầu của Mỹ suy giảm đẩy giá dầu châu Á đi lên ảnh 1(Nguồn: Tengrinews)

Trong phiên giao dịch sáng 3/7, giá dầu châu Á tăng do hoạt động khoan dầu của Mỹ lần đầu tiên suy giảm trong nhiều tháng qua, mặc dù sản lượng gia tăng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã phần nào kiềm chế đà tăng của giá dầu.

Cụ thể, tại thị trường Singapore, vào lúc 8 giờ 37 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 6 xu Mỹ, hay 0,1% lên 48,83 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 15 xu Mỹ, hay 0,3% và được giao dịch ở mức 46,19 USD/thùng.

Giới đầu tư cho rằng giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng mạnh hơn so với giá dầu Brent Biển Bắc sau khi số giàn khoan dầu của Mỹ lần đầu tiên trong 23 tuần qua giảm 2 giàn xuống còn 756 giàn.

Dù vậy, tổng số giàn khoan vẫn cao hơn gấp đôi so với con số 341 giàn cùng kỳ năm ngoái, theo Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Hơn nữa tâm lý đầu tư vào dầu Brent cũng bị hạn chế còn do sản lượng dầu của OPEC trong tháng Sáu vừa qua đã tăng 280.000 thùng/ngày lên 32,72 triệu thùng/ngày, bất chấp cam kết cắt giảm sản lượng nhằm thắt chặt thị trường của khối này.

Sản lượng cao của OPEC phần lớn là do sản lượng gia tăng của Nigeria và Libya, vốn là hai nước được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và nguồn cung gia tăng từ các nước này đã lấn át những nỗ lực hạn chế nguồn cung của các nước thành viên khác như Saudi Arabia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.