Hoạt động kinh doanh của Eurozone trong tháng Chín bất ngờ giảm mạnh

Kết quả thăm dò được công bố ngày 23/9 chỉ rõ Đức và Pháp - 2 nền kinh tế nhất nhì Eurozone - là nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế khu vực sụt giảm mạnh.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Bordeaux, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Bordeaux, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết quả thăm dò được công bố ngày 23/9 cho thấy hoạt động kinh doanh trên toàn Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bất ngờ giảm mạnh trong tháng Chín này, với Chỉ số Nhà quản trị (PMI) giảm từ mức 51 trong tháng Tám xuống 48,9 trong tháng Chín.

Đây là lần đầu tiên chỉ số này của Eurozone giảm kể từ tháng Hai năm nay.

PMI ở mức dưới 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế giảm sút. Lĩnh vực dịch vụ giảm đáng kể, với PMI dịch vụ giảm từ 52,9 xuống 50,5, thấp hơn mức dự báo giảm 52,1 được đưa ra trước đó.

Sản xuất cũng tiếp tục quỹ đạo giảm, với PMI lĩnh vực này giảm từ 45,8 xuống 44,8. Chỉ số sản lượng trong lĩnh vực sản xuất cũng giảm từ 45,8 xuống 44,5.

Kết quả thăm dò chỉ rõ Đức và Pháp - 2 nền kinh tế nhất nhì Eurozone - là nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế khu vực sụt giảm mạnh.

Hoạt động kinh doanh của Đức giảm mạnh nhất kể từ tháng Hai trong khi sản lượng của lĩnh vực tư nhân tại Pháp giảm trở lại sau “cú hích” từ Thế vận hội Olympic Paris.

Ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng châu Âu của nhóm nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London, cho biết chỉ số PMI của khu vực giảm mạnh cho thấy nền kinh tế đang chậm lại đáng kể.

Theo chuyên gia này, kinh tế Đức đang suy thoái và kinh tế Pháp tăng trưởng nhờ Thế vận hội chỉ là “một đốm sáng.”

Với việc chính phủ mới của Pháp đang lên kế hoạch thắt chặt chính sách tài khóa, triển vọng tăng trưởng của nước này ngày càng u ám.

Giới chuyên gia cho rằng hoạt động kinh doanh sụt giảm có thể thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục giảm lãi suất vào tháng 10 tới, sau khi thông báo cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,5% ngày 12/9 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.