Hoạt động ngân hàng bán lẻ Vietcombank - Chuyển đổi để bứt phá

Nếu như trong năm 2015, tín dụng bán lẻ của Vietcombank chỉ chiếm khoảng 34% trong tổng tín dụng toàn hàng thì đến nay con số này đã là hơn gần 55%.
Hoạt động ngân hàng bán lẻ Vietcombank - Chuyển đổi để bứt phá ảnh 1Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng bán lẻ của Vietcombank. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2021 được dự báo sẽ vẫn là năm khó khăn và đầy thách thức cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng bán lẻ của Vietcombank cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường để khuyến khích khách hàng tiếp cận với nguồn vốn trong mở rộng phát triển kinh doanh cũng như trang trải các nhu cầu tiêu dùng trong đời sống.

- Thưa bà, trong các năm trở lại đây, Vietcombank liên tục giữ vững vị trí số 1 về doanh thu và lợi nhuận trong ngành ngân hàng. Vậy, xin bà cho biết, hoạt động ngân hàng bán lẻ có vai trò, đóng góp như thế nào trong thành công chung của Vietcombank?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Vì vậy thời gian qua Vietcombank đã từng bước chuyển đổi cơ cấu và mô hình hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược là trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ tại Việt Nam.

Nếu như trong năm 2015, tín dụng bán lẻ chỉ chiếm khoảng 34% trong tổng tín dụng toàn hàng thì đến nay con số này đã là hơn gần 55%. Huy động vốn bán lẻ cũng chiếm tới gần 60% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng trong năm 2020. Tại mảng dịch vụ, đóng góp từ hoạt động kinh doanh thẻ, giao dịch số và cung ứng các sản phẩm bảo hiểm đã có sự tăng trưởng vượt bậc thời gian qua.

[Vietcombank công bố 4 gói tài khoản dành cho khách hàng cá nhân]

Sự phát triển toàn diện trong hoạt động bán lẻ từ cả các sản phẩm thu lãi, sản phẩm thu phí và các tiêu chí về khách hàng đã khiến tổng mức đóng góp về lợi nhuận của bán lẻ trong tổng toàn hàng lên tới hơn 45%.  

Trong giai đoạn 2020-2025 tới đây, hoạt động bán lẻ vẫn tiếp tục được xác định là 1 trong 3 trụ cột chính đối với sự phát triển của ngân hàng, là nền tảng giúp Vietcombank phát triển bền vững, an toàn và đem lại các gía trị, giải pháp tài chỉnh tổng thể tốt nhất cho khách hàng.

- Năm 2020 là một năm khó khăn chung đối với cả nền kinh tế do đại dịch COVID-19, vậy hoạt động bán lẻ của Vietcombank đã phải thay đổi như thế nào để thích ứng với tình hình mới, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức không chỉ với Vietcombank nói riêng mà với cả nền kinh tế nói chung trước những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã luôn là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai các giải pháp để thích ứng với tình hình mới, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Cụ thể, để bảo đảm hoạt động kinh doanh liên tục, phục vụ giao dịch của hơn 18 triệu khách hàng cá nhân được thông suốt, Vietcombank đã chủ động xây dựng các giải pháp cung cấp dịch vụ theo từng kịch bản diễn biến dịch, phù hợp với các biện pháp chống dịch của Chính phủ và chính quyền của từng địa phương.

Bên cạnh đó, để hạn chế giao dịch trực tiếp, chúng tôi chú trọng đẩy nhanh việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ lên kênh số. Nổi bật trong số đó là việc ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank vào tháng 7/2020 trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch. Trong tháng 11 vừa qua, Vietcombank cũng đã bắt đầu triển khai dịch vụ đặt hẹn trực tuyến (VCB booking) cho phép khách hàng tùy chọn thời gian và địa điểm khi đặt lịch hẹn với ngân hàng.

Trong năm 2020, Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công cấp độ 4 với trải nghiệm mới trong thanh toán điện tử. Tới thời điểm này, Vietcombank cũng đang hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng để có thể sớm cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán trực tuyến xác thực bằng eKYC vào đầu năm 2021.

Ngoài ra, Vietcombank đã chủ động cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương thưởng, giảm mục tiêu lợi nhuận để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, miễn giảm phí giao dịch ngân hàng nhằm chủ động hỗ trợ khách hàng tốt nhất trong đại dịch. Khách hàng tiếp tục phát triển bền vững chính là yếu tố giúp chúng tôi cũng phát triển bền vững.

Đến nay, Vietcombank đã thực hiện 3 đợt giảm lãi suất cho vay khách hàng chịu ảnh hưởng của COVID, 2 đợt giảm phí giao dịch chuyển tiền, miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch COVID-19. Toàn bộ danh mục khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng đều đã được hỗ trợ từ chính sách này của Vietcombank.

Và cuối cùng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về việc khuyến khích tiêu dùng nội địa, Vietcombank đã kịp thời ban hành các gói ưu đãi lãi suất cho vay mua ô tô, mua nhà, tiêu dùng đa mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng đa dạng của người dân trong và cả sau dịch.

Hoạt động ngân hàng bán lẻ Vietcombank - Chuyển đổi để bứt phá ảnh 2Giao dịch tại Vietcombank. (Ảnh: Vietnam+)

- Bà có thể chia sẻ về chiến lược và kế hoạch phát triển của Vietcombank đối với hoạt động bán lẻ trong năm 2021?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Năm 2021 được dự báo sẽ vẫn là năm khó khăn và đầy thách thức cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Vì vậy chúng tôi cũng đã xác định một kế hoạch phát triển phù hợp với tình hình mới, một mặt tiếp tục ưu tiên triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, một mặt tập trung thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh để hướng tới mục tiêu duy trì vị trí là ngân hàng bán lẻ đứng đầu thị trường, tăng cường sự gắn kết của khách hàng, nâng cao trải nghiêm số.

Mục tiêu chính trong năm 2021 của Vietcombank là: Tiếp tục đẩy nhanh việc số hóa các sản phẩm dịch vụ, giúp khách hàng trải nghiệm nhiều nhất và tốt nhất trên kênh số thông qua việc miễn phí các giao dịch trên kênh số. Tiếp tục duy trì lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường để khuyến khích khách hàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng trong mở rộng phát triển kinh doanh cũng như trang trải các nhu cầu tiêu dùng trong đời sống.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách chú trọng cung ứng các giải pháp thanh toán hiện đại cho các đơn vị công như trường học, bệnh viên, giao thông và các hệ thống bán lẻ chuỗi.

Năm 2021 sẽ là năm bản lề của quá trình triển khai chiến lược giai đoạn 5 năm 2020-2025 của hoạt động bán lẻ, đòi hỏi toàn hệ thống Vietcombank phải nỗ lực xuyên suốt từ ban lãnh đạo cấp cao đến các phòng ban tại Trụ sở chính và đến các Chi nhánh, các điểm bán hàng.

- Nếu phải chọn một yếu tố quyết định trong chiến lược phát triển của hoạt động bán lẻ Vietcombank, bà sẽ lựa chọn yếu tố nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Để có thể thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng cần hội đủ nhiều yếu tố, từ chiến lược kinh doanh và tầm nhìn khả thi, nền tảng công nghệ, khả năng thích ứng đến nguồn lực con người đủ về số lượng và chất lượng… Nếu thiếu hoặc yếu một trong số các yếu tố này đều có thể dẫn tới khó khăn, thậm chí là không thành công.

Tuy nhiên, nếu phải chọn một yếu tố, chắc tôi luôn luôn ưu tiên cho yếu tố nguồn lực con người. Đầu tư vào con người là sự đầu tư bền vững và là yếu tố có thể tác động đến các yếu tố còn lại, bởi suy cho cùng, mọi mục tiêu đều xuất phát từ con người và hướng tới con người.

Vì vậy Vietcombank đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư và chú trọng hơn nữa vào công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dám thay đổi, sáng tạo, làm chủ công nghệ, khả năng thích nghi tốt trong giai đoạn công nghệ 4.0 và đặc biệt là chịu được áp lực công việc bởi áp lực cạnh tranh hiện tại là rất lớn.

- Xin cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.