Hoạt động thương mại của Anh thấp nhất kể từ khi công bố

Số liệu của ONS cho biết thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh chiếm tới 8,3% GDP trong quý 1, so với mức trung bình chỉ 2,6% GDP trong tất cả các quý năm 2021.
Hoạt động thương mại của Anh thấp nhất kể từ khi công bố ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các số liệu mới nhất của quý 1/2022 cho thấy hoạt động thương mại của Vương quốc Anh ghi nhận mức thấp nhất cho đến nay, gây thêm áp lực lên đồng bảng Anh trên thị trường tiền tệ quốc tế.

Số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố cho thấy thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh chiếm tới 8,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1, so với mức trung bình chỉ 2,6% GDP trong tất cả các quý năm 2021. Đây là con số tệ nhất được ghi nhận kể từ khi dữ liệu cán cân thanh toán hàng quý được công bố lần đầu tiên vào năm 1955.

Một phần của sự sụt giảm này là do các biến động của vàng và các kim loại quý khác, vốn ít liên quan đến các giao dịch thương mại thông thường. Loại trừ các yếu tố bất ổn này, thâm hụt tài khoản vãng lai đã tăng từ mức trung bình 2,4% GDP năm 2021 lên 7,1% GDP trong quý đầu tiên của năm nay.

Phần lớn thâm hụt tài khoản vãng lai là do sự mất cân đối kỷ lục giữa xuất và nhập khẩu, song cũng có thâm hụt trong thu nhập đầu tư và chuyển tiền giữa các quốc gia.

Nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Capital Economics (Anh), Paul Dales, cho biết yếu tố đáng chú ý nhất trong số liệu là xuất khẩu thực tế giảm 4,4% trong khi nhập khẩu thực tế tăng tới 10,4%.

[Kinh tế Anh giảm tháng thứ hai liên tiếp làm dấy lên nỗi lo suy thoái]

ONS cho biết đang điều tra sự gia tăng lớn trong nhập khẩu đồng thời khuyến cáo các số liệu do cơ quan này công bố có mức độ không chắc chắn cao hơn bình thường và cần thận trọng khi giải thích dữ liệu.

Hoạt động xuất khẩu sụt giảm trong khi nhập khẩu gia tăng sẽ gây thêm áp lực cho chính phủ Anh về những tác động kinh tế của Brexit (chỉ Anh rời Liên minh châu Âu - EU) khi các số liệu chính thức xác thực các kết quả nghiên cứu cho thấy những rạn nứt trong hoạt động xuất khẩu của Anh kể từ khi các biện pháp kiểm soát biên giới mới được áp dụng vào năm 2021.

Nhà kinh tế trưởng tại tổ chức tư vấn Pantheon Macroeconomics, Samuel Tombs, nhận định "giá năng lượng tăng vọt" là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của Vương quốc Anh.

Ông nhắc lại cảnh báo của cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, Mark Carney, sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit rằng giá trị của đồng bảng Anh phụ thuộc vào "lòng tốt của người lạ."

Ông Tombs cho biết: "Hậu quả bất lợi của việc Anh phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài, bắt nguồn từ thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, đã rõ ràng vào tháng trước với việc đồng bảng Anh giảm mạnh do các nhà đầu tư toàn cầu đồng loạt tránh các tài sản rủi ro." Trong năm qua, đồng bảng Anh đã mất giá hơn 10% so với đồng USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.