Hoạt động tiêu dùng ảm đạm, Trung Quốc 'vật lộn' vực dậy nền kinh tế

Tại Trung Quốc, hoạt động thương mại điện tử khởi sắc song tổng chi tiêu cho quần áo, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác được dự báo sẽ tăng rất ít hoặc không tăng trong năm nay.
Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc đang nỗ lực tái khởi động các hoạt động kinh tế một cách thận trọng, nhưng đây là tiến trình không hề dễ dàng khi hàng triệu người lao động vẫn tỏ ra dè dặt trong chi tiêu và thậm chí trong các hoạt động đi lại.

Các nhà máy đã hoạt động trở lại vào tháng Ba sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Vũ Hán vốn là tâm dịch COVID-19 như một dấu hiệu của sự tin tưởng rằng dịch bệnh đã được kiểm soát.

Nhưng người tiêu dùng vẫn lo ngại về khả năng mất việc làm hay bị nhiễm bệnh. Họ giữ tiền bất chấp những nỗ lực của giới chức Trung Quốc nhằm khuyến khích người dân đến các trung tâm thương mại hay cửa hàng ôtô.

Nhiều thành phố còn phát phiếu giảm giá mua sắm.

Ở Trung Quốc, hoạt động thương mại điện tử đã khởi sắc khi người dân phải ở nhà và buộc phải mua hàng qua mạng.

Nhưng nhiều ý kiến dự đoán tổng chi tiêu cho quần áo, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác sẽ tăng rất ít hoặc không tăng trong năm nay.

Tiêu dùng chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong nền kinh tế Trung Quốc so với Mỹ và các nước thu nhập cao khác, nhưng vẫn chiếm đến 80% tăng trưởng năm 2019 của quốc gia Đông Bắc Á này.

Hoạt động chế tạo ở Trung Quốc đã được khôi phục 80%, nhưng lưu lượng giao thông đô thị, lượng điện tiêu thụ và các chỉ báo về đời sống thường nhật khác vẫn chỉ ở mức 50-65% bình thường.

[Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể xuống mức thấp nhất trong 44 năm]

Số liệu dự kiến được công bố trong ngày 17/4 được dự đoán sẽ cho thấy kinh tế Trung Quốc đã giảm tới 9% trong quý 1/2020, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối những năm 1970.

Đây là một “cú đòn" giáng vào các nhà sản xuất ôtô và các doanh nghiệp toàn cầu khác đang kỳ vọng Trung Quốc có thể phục hồi sau đợt sụt giảm tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái những năm 1930.

Tổ chức nghiên cứu Bernstein Research cho rằng, doanh số bán ôtô của Trung Quốc có thể giảm 15%, qua đó nới rộng đà giảm suốt hai năm qua của thị trường ôtô lớn nhất thế giới này.

Tăng trưởng cả năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước đây được dự đoán ở mức gần 6%, thì giờ đây chỉ được dự báo ở mức 0%, từ đó kéo tụt dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế thế giới có thể giảm 3%, sâu hơn nhiều so với mức giảm 0,1% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp vẫn trả lương cho nhân viên và tránh cắt giảm nhân sự. Các doanh nghiệp tư nhân được cam kết miễn giảm thuế, cho vay lãi suất thấp và các hỗ trợ khác.

Nhưng hiện chưa rõ bao nhiêu doanh nghiệp sẽ phá sản dưới áp lực trả tiền thuê và tiền lương trong khi không có doanh thu.

Các công ty xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, quần áo và các mặt hàng khác có thể sẽ không nhận được lực đẩy nhiều từ nước ngoài, trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang phải hứng chịu làn sóng mất việc làm và người dân vẫn phải ở nhà.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc lại tỏ ra ngần ngại trong việc bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế vì lo ngại sẽ làm gia tăng lạm phát và nợ công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.