Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực trên thế giới, Tiến sỹ SD Pradhan - nguyên Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ - đã có bài viết đáng chú ý liên hệ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị trước tình hình hiện nay.
VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sỹ SD Pradhan, được đăng trên tờ Times of India.
Trong môi trường an ninh hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine, qua đó đã định hình cuộc chiến giữa NATO do Mỹ đứng đầu và Nga, dẫn đến đảo lộn hệ thống thương mại và quan hệ ngoại giao bình thường, điều này khiến người ta nhớ đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị và những hoạt động của Người trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam.
Chiến lược quân sự của Người là nhằm giành được độc lập và tự do khỏi sự cai trị của ngoại bang nhưng mục tiêu lớn hơn cả là hòa bình và thiết lập quan hệ hữu nghị cùng có lợi giữa các quốc gia.
Đối với Người, chiến tranh là biện pháp cuối cùng để đạt được mục tiêu và Người ưu tiên đàm phán hòa bình để giải quyết các vấn đề. Người rất coi trọng hòa bình, điều mà Người cho là cần thiết cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế và phúc lợi của người dân.
Đối với Việt Nam, ban đầu Người đã cố gắng giành tự do khỏi sự áp bức của chế độ cai trị ngoại bang thông qua các cuộc đàm phán. Ngay từ năm 1919, Người đã thể hiện niềm tin vững chắc của mình vào việc giải quyết vấn đề thông qua đàm phán bằng cách tới dự Hội nghị Versailles để đòi quyền tự do cho Việt Nam.
Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) đã gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Lansing, nhấn mạnh nguyên tắc dân tộc tự quyết và đòi quyền tự do cho Việt Nam từ Pháp.
Yêu sách Tám điểm của Người bao gồm ân xá cho các hoạt động chính trị, cải cách tư pháp, tự do hội họp, tự do ngôn luận, cải cách giáo dục và phái đoàn thường trực người Việt Nam tham dự Quốc hội Pháp. Đây là những đòi hỏi thực sự hợp lý thể hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thực hiện mục tiêu độc lập một cách hòa bình.
Nhận thấy rằng cần phải có một tổ chức để đàm phán với đế quốc thực dân, Người đã đến thăm một số nước bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và châu Phi vào năm 1930, Người thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương tại Hong Kong.
Sau khi trở về Việt Nam vào năm 1941, Người thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội hay còn gọi là Việt Minh, tổ chức đóng một vai trò quan trọng trong Phong trào Độc lập của Việt Nam và cả trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Quan niệm của Người về cuộc nổi dậy dựa trên một cơ sở bao quát bao gồm các khía cạnh kinh tế, xã hội, chính trị và quân sự. Điều quan trọng, Người nhấn mạnh yếu tố cần thiết đối với sự tham gia của quần chúng và một liên minh công-nông mạnh mẽ để đạt được mục tiêu.
[Hellmut Kapfenberger: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho tôi]
Ngay cả khi quan hệ với Pháp căng thẳng trong giai đoạn 1945-46, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. Người đã quyết định ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước Việt-Pháp ngày 14/9/1946. Các hiệp định này bao gồm các thỏa hiệp của Việt Nam để giải quyết xung đột.
Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa thực dụng, luôn hướng đến giành được quyền tự do với tổn hại tối thiểu cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Các thỏa hiệp ấy đã được chấp nhận.
Hồ Chí Minh nhận thấy rằng cần giành được quyền tự do hoàn toàn theo từng bước để cứu nhân dân Việt Nam khỏi sự tàn phá của chiến tranh. Bước đi như vậy đã được Trưởng đoàn đàm phán Pháp Jean Sainteny đánh giá cao. Ông gọi đó là "một bước đi thông minh" của Hồ Chí Minh.
Trong hai năm 1946 và 1947, khi cuộc chiến với Pháp chuyển sang giai đoạn căng thẳng, Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao. Người đã gửi tám công hàm tới Chính phủ, Quốc hội và Tổng thống Pháp yêu cầu họ lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao ngay cả khi đã đạt được những thắng lợi quân sự. Mặc dù trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5/1954, quân đội Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn quân đội Pháp, nhưng Chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa đề nghị với phía Pháp một số thỏa hiệp để ký kết Hiệp định Geneve lập lại hòa bình và chấm dứt chiến tranh với người Pháp.
Từ năm 1954 đến năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng theo đuổi chủ trương giải pháp hòa bình với Pháp nhằm giữ gìn hòa bình và thống nhất đất nước, mặc dù phe Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn đã cố vi phạm Hiệp định Geneve.
Sau tám năm kháng chiến khi thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề và tìm cách đàm phán để chấm dứt xung đột, Người đã sẵn sàng đồng ý. Người cho rằng, vì Chính phủ Pháp đã học được bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến và mong muốn kết thúc chiến tranh thông qua đàm phán, nên người dân Việt Nam sẵn sàng đi theo con đường này với điều kiện người Pháp tôn trọng quyền độc lập hoàn toàn của Việt Nam.
Tháng 1/1959, khi Ngô Đình Diệm do Mỹ hỗ trợ nhậm chức Tổng thống miền Nam Việt Nam tuyên chiến với nhân dân Việt Nam ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phản công bằng vũ lực, giành độc lập hoàn toàn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khi nhân dân miền Bắc Việt Nam bị ném bom liên tục, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bày tỏ mong muốn sẵn sàng hòa bình, đề nghị chấm dứt thù địch và nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình.”
Người cũng tuyên bố trong cuộc chiến: "Tôi sẽ rất vui mừng được đón tiếp Tổng thống Mỹ nếu ông ấy đến thăm đất nước một cách hòa bình. Chúng tôi mở rộng vòng tay thân thiện với bất kỳ quốc gia nào công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập."
Khía cạnh quan trọng nhất trong niềm tin yêu hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên quan niệm “thêm bạn, bớt thù.” Người tin vào việc đối xử với kẻ thù của mình theo cách biến họ thành bạn bè, nếu có thể. Người nói rằng khi kẻ thù sa lầy vào một cuộc chiến, hãy cho họ một cơ hội để đàm phán.
Mục tiêu của Người không phải là tiêu diệt kẻ thù mà là phá vỡ “ý chí chiến đấu” của chúng. Người tin tưởng vào việc trao cơ hội cho kẻ thù của mình thoát ra khỏi chiến tranh mà không làm tổn thương họ. Điều này có thể tóm gọn lại như sau: "Thoát ra khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự" - một góc nhìn quan trọng để chấm dứt xung đột và chiến thắng kẻ thù.
Đáng nói là Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã bày tỏ ủng hộ năm nguyên tắc chỉ đạo chung sống hòa bình mà Thủ tướng Ấn Độ, Trung Quốc và Myanma đã ký. Những nguyên tắc này bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; đối xử bình đẳng với nhau trên cơ sở cùng có lợi và chung sống hòa bình. Người coi các liên minh quân sự và các căn cứ là những mối đe dọa đối với hòa bình ở châu Á và toàn thế giới.
Dù đấu tranh chống giặc ngoại xâm nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người yêu chuộng hòa bình. Quan niệm của Người về hòa bình và hữu nghị vì sự phát triển rất phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay khi đang chứng kiến sự tàn phá vì cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Bối cảnh hiện nay dẫn đến sự gia tăng thù địch, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu COVID. Điều hết sức cần thiết là phải thông qua con đường đàm phán ngoại giao và chấm dứt thù địch bằng cách tạo cơ hội cho các bên đối địch thoát khỏi cuộc chiến trong danh dự.
Việc gia tăng các biện pháp trừng phạt, cung cấp thêm vũ khí, cũng như tăng cường liên minh quân sự và xây dựng thêm các căn cứ quân sự sẽ không mang lại hòa bình lâu dài. Ấn Độ và các nước khác đang yêu cầu các bên đối địch quay lại con đường ngoại giao và đó là lựa chọn duy nhất cho hòa bình.
Đã đến lúc các bên đối địch, các bên ủng hộ và cộng đồng quốc tế nhìn vào lịch sử Việt Nam cũng như quan niệm về hòa bình, hữu nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó rút ra bài học và hướng tới mục tiêu hòa bình lâu dài để phát triển kinh tế của nhân dân toàn thế giới./.