Học giả: Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia không thể tách rời

Theo học giả Campuchia, quan hệ kinh tế giữ vai trò quan trọng, hậu thuẫn cho quan hệ chính trị trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.
Học giả: Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia không thể tách rời ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen tiếp thân mật Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia Nguyễn Thị Thanh (trái) và Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại Cung Hòa Bình ở Thủ đô Phnom Penh, tháng 8/2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Trang chủ của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) ngày 28/8 đăng tải bài viết chuyên sâu về Việt Nam, Campuchia và lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong suốt chiều dài lịch sử hơn 3/4 thế kỷ qua dưới tiêu đề "Campuchia-Việt Nam sau ách đô hộ của ngoại bang" của học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông thuộc Viện Quan hệ Quốc tế (RAC).

Bài viết được đăng đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022), cũng là “Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022” và kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia.

Phần đầu của bài viết, tác giả Uch Leang đã trình bày về bối cảnh lịch sử đưa đến sự hình thành quan hệ hữu nghị giữa hai nước, với những cột mốc nổi bật như Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc năm 1945; thực dân Pháp đưa quân tái chiếm Đông Dương, chiếm đóng Lào, Campuchia; chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, chính phủ Pháp buộc phải ký hiệp định hòa bình Genève năm 1954, đồng ý trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam và công nhận nền độc lập của Campuchia và Lào; Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, khởi đầu với sự kiện Việt Nam hỗ trợ lực lượng yêu nước Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot năm 1979.

Từ những diễn biến lịch sử đó, tác giả nhận định trải qua năm tháng, Campuchia và Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì và không ngừng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, có chung đường biên giới dài 1.274km và cùng dòng chảy sông Mekong, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/6/1967.

Ông nhấn mạnh: "Kể từ đó, vận mệnh của hai đất nước gắn liền với nhau... Mối quan hệ giữa hai nước gắn bó sâu sắc, đặc biệt là vào những năm 1950 và 1970, gắn liền với hai sự kiện lịch sử quan trọng, đáng nhớ về sự giúp đỡ của Campuchia trong sự nghiệp thống nhất đất nước Việt Nam và sự hy sinh của Việt Nam trong việc góp phần giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Pol Pot diệt chủng."

[Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia tăng cường hợp tác]

Sau khi phân tích tình hình quan hệ giữa hai nước gắn với bối cảnh khu vực trong hơn nửa thập kỷ qua, bài viết đưa độc giả trở về với hiện tại với quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Campuchia, cùng nhận định hơn nửa thế kỷ qua, mối quan hệ giữa hai nước từng bước phát triển, đi lên.

Năm 2005, Campuchia và Việt Nam thống nhất định hướng phát triển hai nước trong bối cảnh mới với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”

Trong hai năm gần đây, thực tiễn cuộc chiến chống dịch COVID-19 đòi hỏi mỗi quốc gia phải thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế bằng cách thay đổi phương thức hợp tác trong bối cảnh vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì ổn định và đảm bảo tăng tăng trưởng trong trao đổi thương mại.

Trong tình hình đó, trên cơ sở tăng cường và mở rộng truyền thống thương yêu, quý trọng và giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hai nước Campuchia và Việt Nam đã chia sẻ, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, cùng nhau chống lại dịch bệnh, tiến tới kiểm soát tốt COVID-19 và mở lại quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia nói riêng, trong khu vực và toàn thế giới nói chung.

Theo học giả Uch Leang, năm 2022 là năm kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Campuchia-Việt Nam. Hai nước đã chọn năm 2022 là “Năm hữu nghị Campuchia-Việt Nam” và cũng là lần thứ ba Campuchia giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Giống như Campuchia đã từng ủng hộ Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN trước đây, Việt Nam một mực ủng hộ Campuchia trong việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, phát huy tinh thần vì một ASEAN hòa hợp, huy động nỗ lực nội khối và các đối tác ngoài ASEAN, nâng cao tình đoàn kết và khả năng thích ứng của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.

Học giả: Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia không thể tách rời ảnh 2Các hộ gia đình và các cháu thiếu nhi người gốc Việt và người Campuchia có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Kampot (Campuchia) đến nhận quà hỗ trợ trong chương trình do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk phối hợp với Ban Chấp hành Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Kampot và các nhà hảo tâm tổ chức, ngày 1/8/2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Trên tinh thần đó, tác giả cho rằng chỉ có kiên định tinh thần "Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng," ASEAN mới có thể tiến về phía trước một cách vững chãi, đoàn kết và hữu nghị để vượt qua các thách thức.

Bài viết kết thúc với nhận định đầy lạc quan: "Mối quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt đẹp giữa hai nước Campuchia-Việt Nam là mối quan hệ không thể tách rời. Trong đó, quan hệ kinh tế giữ vai trò quan trọng, hậu thuẫn cho quan hệ chính trị trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai đất nước"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục