Đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là một tiến trình lâu dài và phức tạp. Sau các cuộc gặp thượng đỉnh song phương liên Triều, Mỹ-Triều, Trung-Triều và mới đây nhất là Nga-Triều, có thể nhận thấy một xu thế mới đang nổi lên - đó là cơ chế đàm phán đa phương trong giải quyết hồ sơ dai dẳng này.
Trên đây là nhận định của Giáo sư Stephen Noerper, Giám đốc Cao cấp Viện Triều Tiên (Korea Society) tại Mỹ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, Giáo sư Noerper nhận định do tính chất kéo dài và phức tạp của đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cần đánh giá các kết quả đạt được trong cả một quá trình - từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ở Singapore, lần thứ hai ở Hà Nội và cho đến bây giờ.
Trong cả quá trình này, các bên cần lường trước những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra, như khởi đầu, tiến triển và có thể cả tạm gián đoạn, thậm chí là "giậm chân tại chỗ" hoặc thụt lùi.
[Giới chuyên gia nhận định về triển vọng cải thiện quan hệ liên Triều]
Trong bức tranh toàn cảnh đó, Giáo sư Noerper lưu ý về xu thế đang nổi lên trong tiến trình đám phán phi hạt nhân là khả năng đàm phán đa phương, được xem là bước tiến rất quan trọng. Việc một số nước sẵn sàng tham gia đàm phán khiến Triều Tiên có thể cảm thấy yên tâm hơn. Hiện Nga đang kêu gọi nối lại vòng đàm phán sáu bên.
Như vậy, bên cạnh đàm phán song phương Mỹ-Triều sẽ có nhiều cuộc đối thoại đa phương khác về vấn đề phi hạt nhân hóa và đó cũng là hướng hiện nay Hàn Quốc đang tích cực kêu gọi.
Theo Giáo sư Noerper, cần phải hiểu mức độ phức tạp của toàn bộ quá trình này, qua đó có thể xoa dịu những quan ngại về an an ninh và mức độ rủi ro. Vì vậy, tiến trình này không chỉ cần nỗ lực hợp tác của Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc mà đòi hỏi đóng góp của cả nhiều nước khác.
Giáo sư cho rằng đã đến lúc cần cân nhắc đến cơ chế đàm phán đa phương với sự tham gia và đóng góp tích cực không chỉ của những nước lớn, nước vừa mà cả những nước nhỏ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực tái thiết, hội nhập và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên.
Đánh giá về những ý kiến cho rằng Triều Tiên thực hiện chính sách “ngoại giao con lắc” giữa Trung Quốc và Nga để có thể tác động đến chính sách của Mỹ đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thời gian tới, Giáo sư Noerper cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn chuyển tải thông điệp rằng ông có nhiều lựa chọn chứ không chỉ Trung Quốc.
Đó là thông điệp không chỉ đối với Washington mà với cả Bắc Kinh nữa. Triều Tiên đang thúc đẩy đa dạng hóa các mối quan hệ của mình.
Trong vòng hơn một năm qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới 4 lần, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in 3 lần, gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump 2 lần và mới đây nhất là gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga có thể hỗ trợ Triều Tiên trong lĩnh vực năng lượng và kinh tế, vốn có ý nghĩa quan trọng khi nước này đang phải chịu các lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế.
Giáo sư Stephen Noerper, Giám đốc Cao cấp Viện Triều Tiên (Korea Society) tại Mỹ. Ông hiện cũng đang giảng dạy tại trường Đại học Columbia, có 30 năm nghiên cứu về Triều Tiên và là tác giả của hơn 70 cuốn sách liên quan tới Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á cũng như chính sách của nước Mỹ đối với khu vực này./.