Bài phân tích trên báo The Business Times cho rằng giống như phần còn lại của thế giới, Singapore đang phải "vật lộn" với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các biện pháp "ngắt mạch" của Chính phủ Singapore đã được gia hạn áp dụng đến ngày 1/6, ngay cả khi một số nước đã nới lỏng các hạn chế và cho phép hoạt động kinh doanh trở lại.
Việc giảm vận chuyển hàng hóa bằng đường không và đường biển đến và đi từ Trung Quốc với phần còn lại của thế giới trong nhiều tuần qua đã và đang tác động đến các chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Kết hợp với tình hình này, sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng lao động nước ngoài của Singapore đã khiến các dòng lao động của Đảo quốc Sư tử bị ảnh hưởng.
Trước bối cảnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về những thiệt hại trước mắt và lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu. Và Singapore sẽ không phải là ngoại lệ.
Những khó khăn phải đối mặt
COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình di chuyển đến "bất cứ nơi nào trừ Trung Quốc." Cách đây hai tuần, Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế kỷ lục trị giá khoảng 2,2 tỷ USD sẽ được sử dụng để giúp đỡ các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trong hơn một thập kỷ qua, cả các công ty Trung Quốc và các công ty đa quốc gia đã hướng tới việc thoát khỏi chi phí lao động đang gia tăng ở Trung Quốc bằng cách chuyển hoạt động sản xuất đến các địa điểm mới ở khu vực Đông Nam Á.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cộng với đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự tách rời hơn nữa khỏi các chuỗi cung ứng tập trung ở Trung Quốc và kết quả là sự đẩy nhanh của việc xây dựng các cơ sở chế tạo sản xuất, lắp ráp mới ở các nước như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và xa tới tận Mexico.
Các công ty, quốc gia và thậm chí cả các chuỗi cung ứng mang tính địa lý sẽ trở nên rất khác sau khi các doanh nghiệp thức tỉnh từ giai đoạn "ngủ Đông" này.
"Trong cái rủi có cái may" - không phải là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đến "bất kỳ nơi nào trừ Trung Quốc," mà thay vào đó các công ty giờ đây buộc phải thăm dò những lựa chọn thay thế để có thể ổn định tại một chỗ trong một thời gian dài. Đây là hồi chuông thức tỉnh kịp thời rằng các chuỗi cung ứng phải luôn luôn tiến triển. Những công ty có thể tận dụng lực đòn bẩy của sự thay đổi liên tục này trong bức tranh kinh doanh toàn cầu sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
Trong khi đó, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đã được nói đến rất nhiều trong vài năm trước đây nhưng sau đó dần mờ nhạt. Tuy nhiên, BRI đã không biến mất. Thay vào đó, dự án này đang phát triển nhưng nhiều người không nhận thấy.
Khi BRI phát triển, vai trò của Singapore với tư cách là cảng vận tải đường biển lớn sẽ bị xói mòn. Singapore có thể tiếp tục xây dựng cảng container lớn ở Tuas thuộc phần phía Tây của nước này, nhưng việc liệu có đủ hàng hóa để vận chuyển bằng đường biển để làm cho ý tưởng này trở thành một sáng kiến cần thiết và khả thi hay không thì vẫn còn phải xem xét.
Khi BRI hình thành, dòng chảy hàng hóa sẽ bỏ qua Singapore và đi đến những nơi khác, như chúng ta đã và đang chứng kiến xảy ra ở Hong Kong trong vài năm qua. Singapore là một trung tâm dịch vụ hậu cần (logistics) chiến lược không phải đơn giản bởi khối lượng hàng hóa nước này xử lý mà còn có nhiều nhân tố khác cần được tính đến.
Những điều chỉnh cần thiết
Trong khi đồng thời phải điều chỉnh cho phù hợp với những thực tế của việc tách rời và tái cơ cấu các chuỗi cung ứng toàn cầu, Singapore giờ đây cần thực hiện một cách chiến lược, chiến thuật các chiến lược trong nước và quốc tế nhằm đa dạng hóa và cân bằng hơn để không chỉ duy trì mà còn tạo lực đòn bẩy cho những thế mạnh của mình.
Tầm quan trọng của Singapore với tư cách là trung tâm logistics khu vực đặt nước này vào trung tâm bức tranh kinh doanh đang thay đổi một cách sâu sắc. Singapore có cơ hội đảm bảo rằng các doanh nghiệp hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục quay sang nước này để đáp ứng những đòi hỏi mới, đồng thời ngày càng phát triển về kinh tế và chuỗi cung ứng.
Có rất nhiều điều thuận lợi cho Singapore. Một là chính phủ ổn định đã đưa Singapore trở thành một chuẩn mực toàn cầu cho sự công khai minh bạch, ổn định và an toàn trong khu vực. Những giá trị này là không thể phủ nhận khi ngày càng nhiều công ty đưa nhân lực và gia đình của họ đến Singapore.
[Kinh tế Singapore năm 2020 sẽ rơi vào suy thoái do dịch COVID-19]
Với những quy định rõ ràng và được thực hiện hiệu quả, Singapore được dư luận coi là địa điểm hấp dẫn để các công ty đặt trụ sở khu vực và toàn cầu. Với năng lực về thương mại và chuỗi cung ứng, tài chính, Singapore là một trung tâm tài chính toàn cầu được bổ sung bởi một cơ sở hạ tầng và khuôn khổ pháp lý tốt hỗ trợ cho kinh doanh quốc tế.
Bên cạnh đó, Singapore cũng có một hệ thống giáo dục tốt tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng. Nền tảng Thương mại Kết nối (NTP) của nước này là một mô hình hiệu quả cho thương mại và hệ sinh thái logistics. NTP kết nối các doanh nghiệp, hệ thống cộng đồng, các nền tảng và các hệ thống của chính phủ. Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 cũng đã làm nổi bật những sự dễ bị tổn thương của nền kinh tế toàn cầu trước bệnh tật và đại dịch.
Các nhà máy tự động hóa và các chuỗi cung ứng thông minh sẽ làm giảm bớt các rủi ro và tạo điều kiện cho các chuỗi cung ứng đa dạng hóa hơn và phối hợp tốt hơn. Đây là một lĩnh vực nữa mà Singapore có thể vượt trội về khía cạnh đổi mới sáng tạo.
Khi dịch bệnh COVID-19 buộc các công ty phải gia tăng tách rời và xác định lại vị trí của chuỗi giá trị, Singapore có thể trở nên hết sức phù hợp với những giải pháp về xây dựng năng lực mới này và thậm chí còn đảm nhận vai trò lớn hơn trên sân khấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhu cầu đối với các chuỗi giá trị thế hệ tiếp theo, được thúc đẩy bởi công nghệ trên thị trường, sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Singapore ở vị trí tốt để tham gia những lĩnh vực chế tạo sản xuất và kỹ thuật công trình tiên tiến này. Nước này đã phân bổ 19 tỷ USD cho Kế hoạch Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo và Doanh nghiệp 2020, và đặt khoản chi này lên vị trí hàng đầu trong ngân sách 2020. Điều này sẽ cho phép "đảo quốc sư tử" trở thành điểm đến hấp dẫn của các công ty đa quốc gia hàng đầu đang tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực này.
Trong tương lai gần, dịch bệnh COVID-19 sẽ đem lại thời khắc kinh tế đầy thử thách cho Singapore. Những thách thức này chắc chắn sẽ được vượt qua bởi một chính phủ chủ động, song những ảnh hưởng của COVID-19 sẽ là rộng lớn và lâu dài khi Singapore điều chỉnh cho phù hợp với một vai trò mới và đầy hứa hẹn trong một bức tranh kinh tế toàn cầu đang thay đổi./.