Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27/5 đã nhất trí thông qua nghị quyết gia hạn sứ mệnh của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) đến hết ngày 30/11, với nhiệm vụ bảo vệ dân thường và hỗ trợ công tác nhân đạo.
Theo nghị quyết, Hội đồng Bảo an cho phép phái bộ này sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trợ giúp nhân đạo và hỗ trợ thực hiện thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch.
Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu UNMISS tập trung mọi nguồn lực, tổ chức hợp lý các hoạt động của mình và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân sự, cảnh sát, dân thường ở Nam Sudan để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Nghị quyết cũng kêu gọi các bên tại Nam Sudan thực hiện đầy đủ các thỏa thuận, đồng thời cảnh báo sẽ sử dụng các biện pháp thích hợp đối với những đối tượng có hành vi phá hoại hòa bình, ổn định và an ninh tại quốc gia này. Theo nghị quyết, quân số của UNMISS sẽ vẫn duy trì ở mức 12.500 người và cảnh sát là 1.323 người như đã được Hội đồng Bảo an phê chuẩn hồi tháng 12/2013.
Bên cạnh đó, nghị quyết của Hội đồng Bảo an cũng thông qua các đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về việc tăng cường lực lượng cho UNMISS nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ mới.
Hội đồng Bảo an kêu gọi chính phủ Nam Sudan và các bên liên quan hợp tác đầy đủ trong việc hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho UNMISS trong việc thực thi các sứ mệnh của mình.
UNMISS được Hội đồng Bảo an thành lập ngày 9/7/2011, thời điểm Nam Sudan chính thức tách khỏi Sudan để trở thành quốc gia độc lập sau cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức trên cơ sở Thỏa thuận hòa bình toàn diện (CPA) năm 2005 nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ ở Sudan.
Từ trung tuần tháng 12/2013, bạo lực bùng phát mạnh tại Nam Sudan sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sỹ trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Xung đột nhanh chóng lan rộng tới 10 bang của Nam Sudan, chia rẽ bộ lạc Dinka ủng hộ Tổng thống Salva Kirr và bộ lạc Nuer ủng hộ ông Riek Machar.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, giao tranh ở Nam Sudan đã làm hàng nghìn người chết, hơn 1 triệu người phải rời bỏ chỗ ở và gần 5 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp./.