Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 11/8 đã họp trực tuyến về tình hình Liban và việc thực hiện nhiệm vụ của Lực lượng Lâm thời Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL), đồng thời thảo luận về các diễn biến gần đây tại vùng Darfur (Sudan).
Điều phối viên đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Kubis đã cập nhật các thông tin tại Liban sau vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại thủ đô Beirut ngày 4/8 và các công việc UNIFIL đã triển khai nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đều phát biểu chia sẻ những khó khăn, thiệt hại về người và của do vụ nổ gây ra đối với nhân dân Liban.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý gửi lời chia buồn tới Liban, các quốc gia có công dân là nạn nhân của vụ nổ và gia đình các nạn nhân.
Đại sứ lo ngại Liban đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc, tình hình ngày càng xấu và có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát; cho rằng cần đặt nhiệm vụ cứu trợ người dân là ưu tiên cao nhất; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Liban.
Đại sứ khẳng định trong bối cảnh hiện nay, vai trò của lực lượng UNIFIL càng cần thiết để bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời giúp Liban vượt qua khó khăn hiện nay.
[Liên hợp quốc viện trợ 50.000 tấn bột mỳ giúp Liban vượt qua khó khăn]
UNIFIL là lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại vùng biên giới phía Nam của Liban.
Lực lượng này được thành lập và triển khai lần đầu vào năm 1978 và được bổ sung thêm nhiệm vụ hai lần vào các năm 1982 và 2006 sau các cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhằm ngăn chặn căng thẳng giữa các lực lượng tại khu vực hoạt động.
Về tình hình gần đây tại khu vực Darfur của Sudan, bà Bintou Keita, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về châu Phi cho biết vấn đề bạo lực giữa các cộng đồng có xu hướng gia tăng tại khu vực Bắc và Tây Darfur gần đây, đặc biệt là trong tháng 7/2020, có khả năng đe dọa đến các tiến triển đạt được thời gian qua ở Darfur.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ quan tâm về tình hình an ninh ở Darfur, đặc biệt là tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng; ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong xử lý vấn đề này và bày tỏ hy vọng Chính phủ và các nhóm vũ trang ở Darfur sẽ sớm đạt một thỏa thuận hòa bình toàn diện.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh vai trò hàng đầu của Chính phủ Sudan trong bảo đảm an ninh ở Darfur, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong ứng phó với các vụ việc bạo lực gần đây và kêu gọi giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này.
Đại sứ đánh giá cao và ủng hộ nỗ lực của Liên hợp quốc, Phái bộ Hỗ trợ Chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc ở Sudan (UNITAMS), Phái bộ hỗn hợp Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID), các tổ chức khu vực và các đối tác liên quan khác trong thúc đẩy hòa bình và phát triển ở Sudan.
Tình hình Sudan thời gian qua có nhiều diễn biến quan trọng, đặc biệt là việc Chính phủ chuyển tiếp được thành lập vào tháng 8/2019 và đang tiến hành đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang ở Darfur.
Ngày 4/6/2020, Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết 2524 về thiết lập Phái bộ Hỗ trợ Chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc ở Sudan-UNITAMS nhằm hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp ở Sudan.
Đồng thời, Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 2525 về gia hạn Phái bộ hỗn hợp Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi tại Darfur-UNAMID (là Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Darfur) đến ngày 31/12/2020 và quyết định việc sẽ xem xét lộ trình rút quân và kết thúc nhiệm vụ của UNAMID trước ngày 31/12/2020.
Hiện nay vấn đề bạo lực giữa các cộng đồng có xu hướng gia tăng ở Darfur trong 3 tháng vừa qua, khiến ít nhất 178 người thiệt mạng và hơn 3.000 người mất nhà cửa./.