Tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 11 đang diễn ra tại Buenos Aires, Argentina, đại diện nước chủ nhà đã kêu gọi các nước đẩy mạnh hệ thống thương mại đa phương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Jorge Faurie đã đọc "Tuyên bố Buenos Aires," trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương cũng như các mục tiêu hướng tới phát triển bền vững.
Ông cho biết chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri đang thực thi những chủ trương này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp và củng cố đà tăng trưởng.
Theo nhà ngoại giao Argentina, các nước đang đối mặt với thách thức lớn trong bối cảnh diễn ra sự chuyển hóa về hệ thống thế giới, cách mạng công nghệ nổi lên và sự bất bình đẳng vẫn tồn tại.
Ông Faurie kỳ vọng rằng Hội nghị WTO lần này gửi đi thông điệp về tầm quan trọng của hệ thống thương mại quốc tế mở cửa, công bằng dựa trên các quy tắc, qua đó góp phần củng cố các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Argentina Mauricio Macri nhấn mạnh sự kiện này là cơ hội để các bên đổi mới cam kết về hệ thống thương mại đa phương, trong đó đề cao thương mại công bằng dựa trên các quy định rõ ràng cụ thể.
[Việt Nam khẳng định cam kết với hệ thống thương mại đa biên]
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Argentina chỉ rõ vẫn còn tồn tại bất cập khi nhiều thành viên chưa được hưởng lợi từ WTO, một tổ chức mà ông Macri mô ra là cội nguồn để phát triển và tăng trưởng.
Tổng thống Macri cho biết tại thêm hội nghị WTO lần này, nước chủ nhà Argentina sẽ nỗ lực mở rộng kết nối thương mại giữa các nước Mỹ Latinh với các đối tác châu Âu, qua đó cho phép tiến tới một thỏa thuận thương mại giữa Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur, gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Venezuela) với Liên minh châu Âu (EU).
Hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 11 kéo dài trong 5 ngày (từ 10-14/12) với sự tham dự của đại diện 164 thành viên WTO và nhiều quan sát viên.
Các đại biểu sẽ bàn thảo phương hướng phát triển trong tương lai của WTO và loạt vấn đề trong các lĩnh vực như như nông nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ và phát triển. Đây là những nội dung còn bế tắc từ Vòng đàm phán Doha diễn ra tại Hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ 4 hồi năm 2001 tại Doha, Qatar./.