Hội nghị cấp Bộ trưởng về IPEF: Các nước cụ thể hóa nội hàm hợp tác

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, IPEF cần chú ý hơn đến vấn đề hợp tác và nâng cao năng lực để giúp tất cả các nước trong khu vực với trình độ phát triển khác nhau có thể tham gia đầy đủ và hiệu quả.
Hội nghị cấp Bộ trưởng về IPEF: Các nước cụ thể hóa nội hàm hợp tác ảnh 1Bốc xếp container hàng hóa tại Tân cảng Cát Lái. (Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hợp tác khu vực và đa phương, luôn sẵn sàng trao đổi và thảo luận với các nước liên quan để làm rõ nội hàm của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định như vậy tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) chiều 23/5 sau khi Khuôn khổ này được các nhà lãnh đạo Cấp cao công bố chính thức khởi động quá trình thảo luận.

Hội nghị có sự góp mặt của Bộ trưởng 13 quốc gia quan tâm bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippnes, Thái Lan, Ấn Độ, Brunei và Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng hy vọng IPEF sẽ được xây dựng một cách cụ thể, linh hoạt, cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển từng thành viên để mang lại lợi ích thiết thực cho toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

[Tổng thống Mỹ công bố khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Theo Bộ trưởng, IPEF cần chú ý hơn đến vấn đề hợp tác và nâng cao năng lực để giúp tất cả các nước trong khu vực với trình độ phát triển khác nhau có thể tham gia đầy đủ và hiệu quả.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần phải chú ý tới quy trình, thủ tục của mỗi nước để giúp quá trình định hướng nội dung thuận lợi và hiệu quả hơn, đạt được kết quả các nước kỳ vọng.

IPEF là khuôn khổ hợp tác kinh tế với cách tiếp cận mới, mở, linh hoạt và bao trùm, gồm nhiều nội dung đang được nhiều quốc gia quan tâm như chuỗi cung ứng, phi carbon hóa, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng...

Hiện tại, IPEF đang được thảo luận hướng tới xây dựng dưới dạng Khuôn khổ chung, chưa có các điều khoản hay cam kết cụ thể. Vì vậy, các Bộ trưởng tham gia hội nghị đã dành thời gian để thảo luận định hướng các nội dung trao đổi giữa các nước liên quan trong thời gian tới nhằm cụ thể hóa hơn nữa nội hàm hợp tác trong Khuôn khổ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.