Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Brisbane, chiều 15/11, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã khai mạc Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong hai ngày tại thủ phủ bang Queensland, Australia.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Abbott cho biết Hội nghị cấp cao G20 lần này muốn gửi tới thông điệp rằng các chính phủ có thể hoạch định và thực hiện chương trình kinh tế nhằm tạo thêm nhiều việc làm và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Đó cũng là điều thế giới kỳ vọng vào Nhóm G20.
Theo kế hoạch, Hội nghị sẽ thảo luận nhằm tìm ra biện pháp giải quyết các thách thức toàn cầu, với mục tiêu nổi bật là nâng tốc độ tăng trưởng của khối G20 lên ít nhất 2% so với hiện nay trong vòng 5 năm tới.
Đây sẽ là một bước phát triển quan trọng, giúp tăng thêm hơn 2.000 tỷ AUD cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận Chương trình Hành động Brisbane nhằm đề ra những hành động cụ thể trong ngắn hạn và trung hạn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.
Những hành động này cũng sẽ cần được cụ thể hóa tới từng quốc gia thành viên và G20 là thời điểm thế giới mong đợi các quốc gia đưa ra kế hoạch chi tiết.
Chiến lược tăng trưởng của G20 sẽ bao gồm cải cách cả về kinh tế vĩ mô và cấu trúc phù hợp với từng nước; tăng cường đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng; cắt giảm rào cản thương mại; thúc đẩy cạnh tranh; tăng cường tạo việc làm.
G20 cũng sẽ thảo luận vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu với một số nội dung thảo luận bao gồm: cải cách quy định tài chính; hiện đại hóa hệ thống thuế quốc tế; cải cách các thể chế toàn cầu; đẩy mạnh phục hồi thị trường năng lượng; các biện pháp củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu; và chống tham nhũng.
Liên quan đến dịch bệnh Ebola tại Tây Phi, dù đây không phải là một chủ đề trong chương trình nghị sự chính thức, nhưng dự kiến các nguyên thủ quốc gia sẽ thảo luận tìm cách đối phó tốt nhất nhằm ngăn chặn virus chết người này lây lan.
Về vấn đề biến đối khí hậu, một số lãnh đạo G20 mong muốn thảo luận cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc tại Paris (Pháp) vào năm 2015, tuy nhiên Australia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abbott phản đối đề nghị này.
Ngoài ra, vấn đề cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự chính thức.
Nhằm đảm bảo an ninh cho hội nghị, Australia đã triển khai hơn 6.000 cảnh sát, 900 binh sỹ thuộc Lực lượng Quốc phòng Australia.
Ngoài ra, 1.000 binh sỹ được đặt trong tư thế sẵn sàng triển khai, chưa kể máy bay trực thăng giám sát an ninh và nhiều hình thức, phương tiện bảo đảm an ninh khác.
Thống kê sơ bộ của Chính phủ Australia cho thấy nước này đã chi khoảng 100 triệu AUD cho công tác an ninh hội nghị./.