Ngày 24/8, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ ba đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cùng lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc.
Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ.
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung," Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác thời gian qua và thảo luận các phương hướng thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn tới.
Về kết quả hợp tác, các nhà lãnh đạo ghi nhận những bước tiến quan trọng đạt được kể từ Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần hai đến nay, nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như: tiến triển trong hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong, trong đó có việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương lần thứ nhất, khởi động hợp tác giữa Mekong-Lan Thương và Ủy hội sông Mekong; hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai với sự hỗ trợ của Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương; Trung tâm Nghiên cứu Mekong và các trung tâm hợp tác chuyên ngành được thành lập, đi vào hoạt động ổn định.
Về định hướng hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm cùng xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, thịnh vượng; nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên ba trụ cột hợp tác cụ thể.
Về an ninh-chính trị, duy trì trao đổi cấp cao, tăng cường đối thoại giữa các đảng chính trị, quốc hội, chính phủ và địa phương, đẩy mạnh hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, hợp tác về y tế cộng đồng ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Hội nghị hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về thành lập Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương về y tế cộng đồng để hỗ trợ các nước Mekong-Lan Thương ứng phó với đại dịch COVID-19 và trong lĩnh vực y tế nói chung sau này.
Về kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy kết nối khu vực cả về hạ tầng cứng và mềm; tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư, hợp tác công-tư; đẩy mạnh hợp tác phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, hợp tác năng lực sản xuất, phát triển kinh tế số và khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
[Tổ chức trực tuyến Hội nghị cấp cao Hợp tác sông Mekong-Lan Thương]
Về văn hóa-xã hội và giao lưu nhân dân, triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục, các chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xúc tiến hợp tác du lịch và giao lưu văn hóa.
Các nước cũng nhất trí tận dụng hiệu quả hơn nữa Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương, nâng cao chất lượng, tính thực tiễn của dự án, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân sáu nước.
Nội dung hợp tác quản lý và sử dụng nguồn nước Mekong đã được các nhà Lãnh đạo dành nhiều thời gian thảo luận. Hội nghị nhất trí, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các nước ven sông cần đẩy mạnh hơn nữa việc chia sẻ thông tin số liệu thủy văn của lưu vực sông, thực hiện các nghiên cứu chung, đối thoại chính sách, quản lý lũ lụt và hạn hán, phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mekong.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin số liệu thủy văn cả năm của sông Lan Thương là đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, mong muốn thảo luận về xây dựng kênh chia sẻ thông tin số liệu thủy văn giữa các nước Mekong-Lan Thương, triển khai các dự án hợp tác chung về cảnh báo lũ lụt, thiên tai.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những tiêu chí mà hợp tác Mekong-Lan Thương cần bảo đảm để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về một tầm nhìn Mekong-Lan Thương hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Đó là hợp tác trên cơ sở lòng tin, quan hệ chân thành, thẳng thắn, hữu nghị; bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế; lấy con người làm trung tâm và phát triển bền vững là nội dung xuyên suốt; chú trọng tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung và bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước thành viên; hoạt động có trọng tâm, trên cơ sở phát huy thế mạnh của các nước thành viên; phối hợp hài hòa với ASEAN và các cơ chế hợp tác Mekong khác.
Trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác Mekong-Lan Thương cần tập trung vào ba nội dung chính gồm: Hợp tác để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, không để đứt gãy các khâu trong chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về COVID-19 thường xuyên, kịp thời, minh bạch; hợp tác sản xuất và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vắcxin; hợp tác sử dụng, quản lý nguồn nước Mekong và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho sự phát triển bền vững của lưu vực; chia sẻ thông tin, số liệu thủy văn cả năm; tăng cường mạng lưới các trạm quan trắc tự động tài nguyên nước; củng cố hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai; phối hợp với Ủy hội sông Mekong và các đối tác quốc tế.
Kết thúc hội nghị, Lãnh đạo sáu nước thành viên đã thông qua Tuyên bố Vientiane và chứng kiến lễ chuyển giao vai trò đồng Chủ tịch hợp tác từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sang Cộng hòa Liên bang Myanmar./.