Hội nghị Thuế giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, ngành Thuế đã thẳng thắn giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, khẳng định nỗ lực tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi.

Hội nghị đối thoại với người nộp thuế khu vực 5 tỉnh, thành phía Nam diễn ra ngày 27/9. (Ảnh: Vietnam+)
Hội nghị đối thoại với người nộp thuế khu vực 5 tỉnh, thành phía Nam diễn ra ngày 27/9. (Ảnh: Vietnam+)

Hội nghị đối thoại với người nộp thuế khu vực 5 tỉnh, thành phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu) diễn ra ngày 27/9, đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp với nhiều câu hỏi và kiến nghị liên quan đến chính sách, thủ tục hành chính về thuế.

Nâng cao minh bạch, hạn chế rủi ro

Tại hội nghị, bà Nguyễn Hồng Uyên, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Nam Dương, đề cập về “hệ số K” (tham số/ngưỡng giới hạn trong quản lý rủi ro hóa đơn điện tử) khi công ty xuất hóa đơn cho khách hàng. Theo đó, hệ thống cảnh báo rủi ro này đã khiến khách hàng e ngại trong việc thanh toán và có yêu cầu công ty cấp công văn khẳng định từ Cơ quan Thuế.

Về điều này, đại diện Tổng cục Thuế giải thích do hệ thống ứng dụng chưa cập nhật đầy đủ thông tin về hoạt động nhập khẩu linh kiện của Công ty Nam Dương, dẫn đến đã có cảnh báo nêu trên cho doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, Cơ quan Thuế sẽ tăng cường trao đổi thông tin với Cơ quan Hải quan và nâng cấp hệ thống, thu hẹp phạm vi cảnh báo rủi ro và tập trung xử lý các doanh nghiệp ma, mua bán khống hóa đơn. Điều này góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ những doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về thuế.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng cung cấp những thông tin chi tiết về việc áp dụng hóa đơn điện tử và giải đáp các câu hỏi liên quan đến các quy định, thủ tục và kỹ thuật liên quan.

Cụ thể, thời điểm lập hóa đơn điện tử cho hàng xuất khẩu là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm. Tại đây, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Varivas (Việt Nam) đã nêu câu hỏi thời điểm lập hóa đơn điện tử giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu là ngày thông quan hay ngày qua khu vực giám sát. Trả lời câu hỏi, đại diện Tổng cục Thuế chỉ ra tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đã nêu cơ sở kinh doanh lập hóa đơn giá trị gia tăng sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu.

53296a2e3edb9885c1ca.jpg
Hội nghị đã cung cấp những thông tin chi tiết về việc áp dụng hóa đơn điện tử và giải đáp các câu hỏi liên quan đến các quy định, thủ tục và kỹ thuật liên quan. (Ảnh: Vietnam+)

Trong khi, Công ty cổ phần tập đoàn Cơ khí CNC Siba đã đặt vấn đề về việc phải nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai khi bán sản phẩm cho khách hàng ở các tỉnh khác, bao gồm cả doanh thu vận chuyển. Dẫn Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 80/2021/TT-BTC, đại diện Tổng cục Thuế đã khẳng định doanh thu vận chuyển của công ty này không thuộc trường hợp phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp.

Với trường hợp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sepzone - Linh Trung Việt Nam thắc mắc về việc thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng tại Khu chế xuất Linh Trung I và II. Đại diện Tổng cục Thuế giải thích theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, khoản tiền duy trì, tái tạo cơ sở hạ tầng không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng và là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Không né tránh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, không né tránh, ngành Thuế tổ chức hội nghị đối thoại với mục tiêu nắm bắt, trao đổi, giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phản ánh của người nộp thuế trong thực tiễn thực hiện các quy định, chính sách thuế. Trên cơ sở đó, Cơ quan Thuế cam kết lắng nghe để giải quyết ngay hoặc tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, Cơ quan Thuế sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội) đưa ra các giải pháp hoàn thiện, sửa đổi cơ chế, chính sách và công tác quản lý thuế minh bạch, cụ thể hơn, phù hợp với tất cả loại hình doanh nghiệp nhằm giúp người nộp thuế thực hiện các chính sách thuế, nghĩa vụ thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện.

Hội nghị cũng được phát trực tuyến tới các điểm cầu của Tổng cục Thuế và 62 Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mục đích lan tỏa tinh thần cầu thị, lắng nghe, nắm bắt kịp của ngành Thuế. Trên cơ sở thực hiện giải quyết, hướng dẫn giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp và người nộp thuế trong hội nghị, Cơ quan Thuế các cấp sẽ nghiên cứu, áp dụng thống nhất trong công tác quản lý thuế và giải quyết các vướng mắc, các thủ tục hành chính tương tự của doanh nghiệp và người nộp thuế trên cả nước.

z5871739544127_c2bcbc9c0d5cd16e61b42167e0aeb950.jpg
Hội nghị lần này đã khẳng định sự nỗ lực của ngành Thuế trong việc giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi. (Ảnh: Vietnam+)

Tại đây, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu cơ quan thuế các cấp tiếp tục không ngừng cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý, thực hiện chuyển đổi số toàn diện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế (như triển khai các dịch vụ thuế điện tử; triển khai ứng dụng Etax mobile; hóa đơn điện tử; hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; Cổng Cổng thông tin điện tử cho Nhà cung cấp nước ngoài; Cổng thông tin điện tử cho các sàn giao dịch thương mại điện tử…).

Với trên 401 nội dung câu hỏi vướng mắc của các doanh nghiệp và người nộp thuế được gửi về Ban Tổ chức và khoảng 300 nội dung hỏi đã được trao đổi trực tiếp tại hội nghị. Lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh điều này chứng tỏ vấn đề chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế vẫn đang là vấn đề ‘nóng’ đối với cơ quan thuế.

"Do đó, ngành Thuế sẽ phải nhìn rõ và thẳng thắn vào những hạn chế trong công tác chuyển tải đến và người nộp thuế về các quy định pháp luật và thủ tục hành chính về lĩnh vực thuế để đưa ra giải pháp tuyên truyền phù hợp, những cải cách phù hợp với thực tiễn để mục tiêu ‘Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ’ không phải chỉ tồn tại trên các ấn phẩm tuyên truyền, mà phải len lỏi vào cuộc sống và đến được với người nộp thuế một cách thực chất, hiệu quả nhất,” Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chỉ đạo.

Ông Mai Xuân Thành cũng cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe một cách cầu thị nhất về những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp và người nộp thuế để từ đó nghiên cứu, đưa ra các giải pháp quản lý thuế.

Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng bày tỏ Cơ quan Thuế cũng rất mong muốn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế đối với những thách thức mà ngành đang phải đối mặt, cụ thể là thực trạng gian lận về hóa đơn, hoàn thuế cùng nhiều thủ đoạn trốn, tránh thuế ngày càng tinh vi. Những điều này đã phần nào ảnh hưởng cả tới những người nộp thuế tuân thủ tốt, chấp hành pháp luật thuế.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chia sẻ Cơ quan Thuế đang khẩn trương nghiên cứu và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để phát hiện sớm những hành vi gian lận, trốn, tránh thuế, từ đó hướng tới môi trường hóa đơn sạch. Đặc biệt là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc trả lời vướng mắc tự động và chấm điểm sự hài lòng của người nộp thuế đối với Cơ quan Thuế. Điều này sẽ đem lại sự công bằng cho những người nộp thuế có ý thức tuân thủ cao, chấp hành tốt pháp luật thuế, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh lành mạnh, minh bạch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik/TTXVN)

Xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc vẫn ổn định

Bộ trưởng Tài chính đã nhấn mạnh rằng các hệ thống quản lý và giám sát tài chính tiền tệ của Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm thị trường và các cơ chế quản lý khủng hoảng, đang hoạt động bình thường.