Ngày 10/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Việt Nam 2018 với chủ đề "Định hình tương lai quan hệ kinh tế song phương."
Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, dầu khí, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, du lịch, nông nghiệp, công nghệ cao... cùng với các lĩnh vực đầu tư truyền thống khác như nông sản, thủy sản.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, gần đây trong các thỏa thuận hợp tác kinh tế đa phương và khu vực đang đặt ra những thách thức mới cho cả Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, nên cần cùng nhau đưa ra những đánh giá và đề xuất giải pháp mới, góp phần duy trì đà tăng trưởng tích cực của quan hệ hợp tác kinh tế hai nước, đề xuất những cơ hội mới, hướng đi mới, phát huy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong kinh doanh, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại, đầu tư song phương nói riêng và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung.
Trong những năm qua, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã trở thành nền tảng và động lực quan trọng của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai nước từ mức 7.8 tỷ USD năm 2005 đã tăng lên mức trên 54 tỷ USD năm 2017. Riêng năm 2018, tính đến hết quý 2, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 27,4 tỷ USD; trong đó, nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng hơn 20%.
Về đầu tư, đến tháng 6 năm 2018, Hoa Kỳ có 877 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn 9.37 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Lãnh đạo các doanh nghiệp Hoa Kỳ đều đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam, trong đó có những doanh nghiệp giàu kinh nghiệm và uy tín thế giới.
Hiện nay, các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chủ yếu là thủy sản, hạt điều, dệt may, giày dép, .. và nhập khẩu từ Hoa Kỳ sản phẩm công nghệ cao. Đặc biệt, nhiều hợp đồng và thỏa thuận mua máy bay và động cơ máy bay với giá trị hàng tỷ USD đã và đang được đàm phán giữa doanh nghiệp hai nước trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, với gần 30.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng bày tỏ niềm tin, đây sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam và là cầu nối thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc cắt giảm ngay các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, sử dụng năng lượng sạch, chú trọng tăng cường kết cấu hạ tầng, củng cố các nền tảng của hệ thống tài chính, nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo..., góp phần thúc đẩy việc cải cách và tiên phong trong hội nhập. Đó cũng là những lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam cần ưu tiên phát triển và là những thế mạnh của Hoa Kỳ và các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ.
Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Việt-Mỹ được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN với chủ đề “ASEAN 4.0.”
Cũng không phải ngẫu nhiên mà nội dung Hội nghị Thượng đỉnh này lại bàn về chủ đề số và thiết lập quan hệ đối tác số giữa hai cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Như vậy tư duy về số hóa nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo là mối quan tâm của chúng ta: các diễn đàn kinh tế số của các nước ASEAN, của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt-Mỹ, ông Lộc nhấn mạnh.
Kết nối số hai nền kinh tế là một giải pháp quan trọng để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam mong cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ những kinh nghiệm và kỹ năng phát triển nền kinh tế số.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nhà đầu tư Hoa Kỳ rất mong được chính phủ hai nước tạo điều kiện thuận lợi nhất để đầu tư hợp tác và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam./.