Ngày 8/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính sách An ninh diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC).
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM+ Việt Nam chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện Cục Đối ngoại, Viện Chiến lược quốc phòng, Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, Cục Quân y và Đoàn 26 đối tác trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Ban Thư ký ASEAN.
Hoạt động nhằm chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực và vai trò của hợp tác quốc phòng trong bối cảnh dịch COVID-19 và hậu COVID-19; nâng cao vai trò của hợp tác kênh quốc phòng-quân sự trong ARF cũng như sự kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa ARF và ADMM+.
ARF là cơ chế do kênh ngoại giao chủ trì, chú trọng vào xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa.
[ASEAN 2020: Đối thoại trực tuyến Quan chức quốc phòng ARF]
Kể từ khi được thành lập vào năm 2004, Hội nghị Chính sách an ninh ARF (ASPC) đã mở ra kênh đối thoại, trao đổi mới giữa các quan chức quốc phòng, nhà ngoại giao và các chuyên gia nghiên cứu quân sự.
Các mục tiêu chính của ASPC gồm: Đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp xây dựng lòng tin trong giới quân sự khuôn khổ ARF và sự tham gia của các quan chức quốc phòng ARF; mở các kênh đối thoại, trao đổi mới giữa các quan chức quốc phòng, nhà ngoại giao và các chuyên gia nghiên cứu quân sự; tăng cường sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau giữa các quan chức quốc phòng, tiếp tục thúc đẩy, chứng minh vai trò của ARF, nâng cao vị thế của diễn đàn này.
Xây dựng lòng tin góp phần giải quyết các vấn đề an ninh
Khai mạc hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cảm ơn sự hiện diện đầy đủ của các đại biểu; bày tỏ sự lạc quan rằng dịch COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi trước nỗ lực hợp tác của các quốc gia.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng Việt Nam vui mừng khi các nước đồng thuận về việc tổ chức Hội nghị ASPC trực tuyến lần này, nhằm kịp thời chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực và vai trò của hợp tác quốc phòng trong bối cảnh COVID-19 và hậu COVID-19.
Đây cũng là dịp thảo luận nhằm nâng cao vai trò của kênh hợp tác quốc phòng quân sự trong ARF cũng như nhu cầu kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa ARF và ADMM+.
Hội nghị gồm ba phiên tập trung vào các nội dung chính: Chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực và chính sách quốc phòng; tăng cường kết nối giữa ARF và ADMM+; tăng cường vai trò của hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ARF.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, dịch COVID-19 đã cho thấy sự ảnh hưởng to lớn của các thách thức an ninh phi truyền thống. Dịch bệnh không chỉ gây ra các thách thức trong vấn đề y tế, xã hội, môi trường, kinh tế mà còn là vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn của mỗi nước; từ đó đặt ra nhu cầu hợp tác toàn diện để phòng, chống và đẩy lùi dịch COVID-19, trong đó có hợp tác quốc phòng là một trong những kênh quan trọng, cần đẩy mạnh hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thách thức hiện nay.
"Chúng ta hợp tác để ngăn chặn chiến tranh, tạo dựng hòa bình, xây dựng nền tảng và lòng tin chiến lược để tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, hợp tác quốc phòng càng đóng vai trò hết sức quan trọng," Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.
Trưởng ADSOM+ Việt Nam cho biết dưới sự điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội Việt Nam đã tích cực, chủ động đóng góp vào các nỗ lực phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng xúc tiến hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch trên cả bình diện song phương và đa phương. Các nhiệm vụ, nội dung hợp tác quốc phòng ngày càng được mở rộng.
Mặc dù dịch COVID-19 đang hoành hành và thu hút sự chú ý của toàn thế giới, làm giảm hiệu quả hoạt động của rất nhiều ngành, lĩnh vực, song theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, bên cạnh vấn đề dịch bệnh, các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống vẫn tồn tại và không mất đi.
Điều này đòi hỏi các quốc gia cần tiếp tục quan tâm toàn diện tới các thách thức và vấn đề an ninh khác đang có nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực.
"Đây cũng là một lý do mà Hội nghị ASPC nêu lên các vấn đề liên quan đến các thách thức an ninh cũng như hợp tác để xử lý các thách thức này," Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.
Làm rõ hơn quan điểm này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thông tin trong khi các quốc gia tập trung phòng, chống dịch COVID-19, những điểm nóng vẫn tiếp tục tồn tại và gây ra quan ngại trong khu vực và trên thế giới, trong đó có thể kể đến một số thách thức như: môi trường, an ninh mạng, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, khủng bố, vấn đề an ninh biển - trong đó Biển Đông là một trong những điểm nóng của khu vực.
"Chúng ta cần sự hợp tác rộng lớn, xây dựng lòng tin để giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, với một tinh thần thiện chí vì lợi ích của quốc gia mình nhưng đồng thời vì lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới," Trưởng ADSOM+ Việt Nam nhấn mạnh.
Duy trì hợp tác vì sự ổn định, phát triển, an ninh, an toàn khu vực
Phát biểu tại hội nghị, ông David Lewis, Trợ lý Tổng thư ký Quốc phòng phụ trách Đông Nam Á-Bộ Quốc phòng Australia, cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là duy trì sự liên hệ giữa các quốc gia vì một khu vực phát triển và thịnh vượng. Sự phục hồi kinh tế của Australia sau đại dịch COVID-19 có liên quan chặt chẽ với sự ổn định, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác hậu COVID-19, ông David Lewis cho biết Australia sẵn sàng mở rộng hợp tác với các đối tác trong khu vực.
Nhận định các quốc gia đang ở trong tình trạng cạnh tranh chiến lược khi xuất hiện những hình thái mới về công nghệ, khủng bố gia tăng... và nhiều thách thức khó dự đoán trước, ông David Lewis nhấn mạnh các chiến lược của Australia nhằm phản ứng lại trước những thay đổi lớn, với mục tiêu định hình lại chiến lược quốc phòng trong thời gian tới và phản ứng một cách hiệu quả trước các vấn đề ở khu vực, trên diện rộng từ Đông Nam Á đến Ấn Độ Dương.
"Chiến lược của chúng tôi là đối phó với các thách thức về an ninh đang có khả năng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực," ông Davis Lewis nói; đồng thời khẳng định Australia sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ các quốc gia bằng những hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu và tình hình khu vực.
Để có thể tự cường hơn, Australia có kế hoạch đầu tư một lượng lớn kinh phí để tập trung vào các vấn đề hỗ trợ nhân đạo, hợp tác với các đối tác vì lợi ích an ninh chung, trên cơ sở đồng thuận, minh bạch, tương thích với luật pháp quốc tế, vì một khu vực tự cường và thúc đẩy độc lập, chủ quyền của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Cùng quan điểm với đại diện Australia về vấn đề gia tăng các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, Chuẩn tướng Dato Seri Pahlawan Shahril Anwar bin Haji Ma'awiah, Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Brunei cho rằng, để tránh bị tổn thương, các nước cần hành động cùng nhau để vun đắp hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực; duy trì thói quen hợp tác, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Nhấn mạnh các vấn đề về an ninh thường là những vấn đề có khía cạnh đa chiều, đa tầng nấc, Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Brunei thông tin về một số phương thức tiếp cận để ứng phó với dịch bệnh ở quốc gia này.
Theo đó, dù đã nhiều ngày không ghi nhận thêm trường hợp mắc COVID-19 mới, song Brunei vẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Lực lượng Quân đội của Brunei đã hỗ trợ về hậu cần, logistic cho các quốc gia trong khu vực và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, góp phần tăng cường năng lực quốc tế; cử sỹ quan Quân đội tham gia trong các chiến dịch kiểm soát phòng, chống dịch; tham gia Diễn tập trực tuyến quân y ASEAN và Hội nghị trực tuyến mạng lưới các chuyên gia sinh học, hóa học và phóng xạ...
Cho rằng ASPC là cơ chế thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và xây dựng lòng tin thông qua các đối thoại mang tính xây dựng, đại diện Brunei khẳng định cam kết ủng hộ các sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở khu vực như những nội dung đã được thống nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, trên cơ sở thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng "Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (COC).
Thông qua những hoạt động hợp tác thực chất trong khuôn khổ ADMM và ADMM+, Brunei sẽ cùng các quốc gia tiếp tục xây dựng kênh liên lạc mở và minh bạch để chia sẻ thông tin về dịch bệnh; đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin để đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.
Nhấn mạnh vai trò thúc đẩy an ninh của cơ chế ARF, ông Suzuki Hideo, đại diện Cục Chính sách Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Trong bối cảnh các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, Nhật Bản cho biết sẵn sàng tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực, chia sẻ với những nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác, thống nhất, đoàn kết trước các thách thức chung của các quốc gia.
Tuy nhiên, đại diện Nhật Bản bày tỏ không đồng tình với những nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trong một số vấn đề, gây ảnh hưởng đến sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực giữa bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, trong vấn đề hàng hải, Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN được thể hiện trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.
Bày tỏ tin tưởng vào một trật tự hàng hải mở và tự do dựa trên luật lệ tại khu vực Biển Đông, ông Suzuki Hideo cho rằng có một số hiện tượng có thể gây ra căng thẳng, quan ngại ở khu vực này, do đó, cộng đồng quốc tế cần hợp tác cùng nhau để đối mặt với những khó khăn.
Duy trì trật tự thế giới hậu COVID-19 đồng thời không gây phương hại đến quá trình hợp tác giữa các quốc gia trong quá trình chia sẻ giá trị là một trong những mục tiêu mà Nhật Bản hướng đến./.