Hội nghị Trung Quốc-EU: Trung Quốc cam kết cải cách thị trường

Thủ tướng Trung Quốc cam kết cải cách thị trường và giải quyết tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, yếu tố ảnh hưởng quan hệ Trung Quốc-EU.
Hội nghị Trung Quốc-EU: Trung Quốc cam kết cải cách thị trường ảnh 1Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 13/7, tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 18 diễn ra ở Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố nước này cam kết cải cách thị trường và quyết tâm giải quyết tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, vốn là những yếu tố đang ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai bên.

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc luôn tuân thủ các cam kết của mình về cải cách và sẽ cải thiện việc tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài, với hy vọng tất cả công ty này có thể cạnh tranh trong môi trường công bằng.

Ông nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng đẩy nhanh các cuộc đàm phán với EU để đạt các thỏa thuận thương mại đầu tư song phương, đồng thời kêu gọi EU tạo môi trường ổn định thúc đẩy phát triển thương mại. Về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp mạnh nhằm giải quyết vấn đề này.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker hối thúc Trung Quốc nên dỡ bỏ các rào cản và cải thiện về mặt pháp lý, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc từ lâu phản ánh những hạn chế, gây khó khăn cho họ khi cạnh tranh với các đối thủ trong nước.

Chủ tịch Juncker cảnh báo việc dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc không được phép làm tổn hại đến quan hệ với EU. Trong khi đó, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström nhấn mạnh tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong ngành thép gây ra sự cạnh tranh không cần thiết giữa lao động Trung Quốc và châu Âu.

Với sản lượng thép hằng năm gần như gấp đôi của EU, Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh khác cáo buộc Trung Quốc xuất khẩu thép giá rẻ sau khi nhu cầu trong nước sụt giảm, gây khủng hoảng trong ngành thép, dẫn đến nhiều doanh nghiệp EU cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.