Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018), sáng 8/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay.”
Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và phát biểu khai mạc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ, ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Từ đây, phong trào thi đua ái quốc liên tục phát triển, mở rộng, trở thành phong trào hành động thiết thực gắn liền với các nhiệm vụ chính trị qua các giai đoạn lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết ngắn gọn, chỉ khoảng hơn 400 từ, song đó là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc.
[Tổng Bí thư: Gắn thi đua yêu nước với công việc hằng ngày mỗi người]
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, Lời kêu gọi thi đua ái quốc thực sự là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn hết sức quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là thể hiện rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới.
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc cũng để lại cho chúng ta những bài học, những kinh nghiệm hết sức bổ ích trong công tác vận động quần chúng nhân dân và là một mẫu mực về thực hành tuyên tuyền sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, để các tầng lớp nhân dân trong cả nước hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc,” Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch nước, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức, bám sát thực tiễn, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Nhiều phong trào thi đua trong toàn quốc được phát động, mang lại hiệu quả thiết thực như phong trào “Cả nước xây dựng nông thôn mới,” “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau,” “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”...
Qua các phong trào thi đua đã có nhiều sáng kiến, mô hình cải tiến kỹ thuật, các giải pháp, biện pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác được đề ra, góp phần phát huy mọi tiềm lực trong xã hội để xây dựng đất nước. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được tôn vinh, khen thưởng kịp thời, trở thành những tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua các cấp, mang lại hiệu quả xã hội to lớn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, 70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta.
Thi đua là động lực tinh thần, qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là kinh nghiệm thực tiễn, vừa bổ sung và khẳng định quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua là động lực, là biện pháp để động viên nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh toàn quân, toàn dân ta nguyện đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, vững bước đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc đã lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh Hội thảo khoa học “Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Giá trị lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay” nhằm khẳng định ý nghĩa lịch sử bất hủ và những giá trị lịch sử to lớn của Lời kêu gọi thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Lời kêu gọi thi đua ái quốc là nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sự sáng tạo trong phương cách lãnh đạo của Đảng ta, nhằm khơi dậy sức mạnh vĩ đại của dân tộc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành từ đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng ta, trên nền tảng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 70 năm qua, phương châm gắn thi đua với yêu nước đã được thực hiện, phát triển và nâng lên như một nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành một phương thức lãnh đạo hết sức sáng tạo, độc đáo của Đảng, nhằm nhân lên sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận về thi đua yêu nước phù hợp với thực tiễn mới, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, phát huy mạnh mẽ vai trò của phong trào thi đua yêu nước Việt Nam trong thời kỳ mới,” giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, phong trào thi đua yêu nước “phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình,” đảm bảo tính thường xuyên, lâu dài và hiệu quả. Thi đua yêu nước phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, kết hợp mục tiêu, lợi ích trước mắt, dù ngắn ngày hay dài ngày, từng đợt hay nhiều đợt… đều phải có sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả. Như vậy, việc phát động thi đua mới có ý nghĩa, mới tìm ra, cổ vũ và nêu gương những cá nhân tích cực, sáng tạo, những tập thể biết đoàn kết khắc phục khó khăn để tìm trở thành những điển hình tiên tiến. Cần nhân rộng những mô hình hay, những kinh nghiệm tốt, những tấm gương điển hình như lời Bác dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.”
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 90 tham luận của các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học và các đại biểu đến từ nhiều cơ quan ở Trung ương, tỉnh, thành phố và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Các tham luận khoa học đi sâu, làm sáng tỏ, khẳng định Lời kêu gọi thi đua ái quốc là sự kết tinh và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam; là sự khởi đầu một phong trào hành động thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cùng với đó, Lời kêu gọi thi đua ái quốc còn là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng con người mới trong phong trào thi đua yêu nước; là những chỉ dẫn quý giá đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay./.