Hội thảo “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982” dự kiến sẽ có hơn 200 đại biểu và 20 diễn giả nổi tiếng, có uy tín về lĩnh vực chính trị, luật quốc tế và Luật Biển quốc tế đến từ các Viện, Trung tâm nghiên cứu, Trường Đại học lớn của Liên bang Nga, Nhật Bản, Philippines, Australia, Vương quốc Bỉ và Việt Nam.
Đây là thông tin được Ban tổ chức cho biết tại buổi họp báo chiều 22/7 công bố chương trình hội thảo.
Hội thảo do Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức, diễn ra ngày 23/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo có sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín quốc tế như giáo sư-tiến sỹ Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu, Đại học Vrije Brussel (Bỉ), thành viên Tòa Trọng tài thường trực La Hay (Hà Lan); giáo sư-tiến sỹ Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia; phó giáo sư-tiến sỹ Jay Batongbacal, Giám đốc Học viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines (UP); giáo sư-tiến sỹ Donald Rodthwell, Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Australia; tiến sỹ Pavel Gudev, Viện nghiên cứu Primakov về kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO), Liên bang Nga; giáo sư Gregory Rose, Đại học Wollongong, Australia; giáo sư-tiến sỹ Hideo Yamagata, Đại học Nagoya, Nhật Bản…
Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận, trong đó phiên thứ nhất có chủ đề “Giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS 1982”; phiên thứ hai có chủ đề “Giải quyết tranh chấp bằng thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982"; phiên thứ 3 có chủ đề “Ảnh hưởng và tác động từ vụ kiện của Philippines đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới.”
Theo giáo sư-tiến sỹ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức Hội thảo, các tham luận tại hội thảo sẽ tập trung vào các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt là thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, trong đó, các chuyên gia sẽ tập trung luận bàn trên cơ sở khoa học các vấn đề pháp lý liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền, quy tắc tố tụng và giá trị phán quyết của Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, đặc biệt là phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc ngày 12/7/2016.
Ngoài ra, hội thảo cũng sẽ đánh giá, bình luận những ảnh hưởng, tác động về chính trị, pháp lý và quan hệ quốc tế của phán quyết Trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới, cũng như cơ chế thực thi phán quyết trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật.”
Giáo sư-tiến sỹ Mai Hồng Quỳ cho biết thêm, tại Hội thảo, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam sẽ công bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Luật Biển, với mục tiêu trở thành trung tâm thường xuyên, liên tục nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến Luật Biển quốc tế và Luật Biển quốc gia, vốn là những vấn đề luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng với đất nước chúng ta.
Trước đó, ngày 12/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài.
Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”./.