Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 11/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Séc tổ chức Hội thảo thương mại Séc-Việt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thông tin về môi trường đầu tư và kinh doanh tại mỗi nước, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam và Cộng hòa Séc có mối quan hệ ngoại giao truyền thống và đây chính là cơ sở vững chắc để tăng cường hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.
Đại sứ đánh giá, quan hệ hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển, nhất là trong những năm gần đây. Điều này thể hiện rõ qua số liệu thống kê kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục trong 3 năm (775 triệu USD năm 2015; 912,5 triệu USD năm 2016; 1022,7 triệu USD năm 2017) và dự báo đạt 1,2 triệu USD năm 2018.
Tuy nhiên, Đại sứ Hồ Minh Tuấn cho rằng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế mỗi nước, nhất là cán cân thương mại giữa hai bên còn chênh lệch.
[Việt Nam và Séc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các địa phương]
Trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 681 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu từ Séc sang Việt Nam đạt gần 94 triệu USD thấp hơn nhiều so với giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc.
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 4/2018, Cộng hòa Séc có 36 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 110 triệu USD, trong khi đó Việt Nam có 4 dự án đầu tư vào Séc với tổng số vốn đăng ký khoảng 5 triệu USD.
Đại sứ Hồ Minh Tuấn chia sẻ, hội thảo lần này là dịp để VCCI Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Séc cùng các doanh nghiệp hai nước chia sẻ thông tin về thị trường mỗi nước, thảo luận cụ thể nhằm đề xuất biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, bà Trần Hồ Lan-Giám đốc Trung tâm thông tin kinh tế thuộc VCCI cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong hợp tác, đầu tư ở nước ngoài là việc tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi. Do vậy, đoàn VCCI và các doanh nghiệp Việt Nam sang Séc lần này mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác để có được nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Séc.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Séc Stanislav Kazecky nhất trí với đánh giá của Đại sứ Hồ Minh Tuấn về tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, sự phát triển tích cực cũng như những tồn tại trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại song phương thời gian qua.
Theo ông Stanislav Kazecky, trên cơ sở nhu cầu và thế mạnh của mỗi nước, hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, cơ khí và chế tạo máy.
Các doanh nghiệp Séc mong muốn được sử dụng lao động Việt Nam có tay nghề cao. Trong thời gian qua, Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Séc đã kiến nghị Chính phủ Séc có chính sách tạo điều kiện cấp visa cho lao động Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Séc.
Ông Stanislav Kazecky cho biết, trong quá trình tổ chức các giao dịch thương mại-đầu tư, các doanh nghiệp Séc cũng như doang nghiệp Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ của một số ngân hàng lớn của Séc, trong đó có Ngân hàng xuất khẩu Séc, Quỹ tín dụng Séc với những chính sách ưu đãi, đảm bảo pháp lý cũng như cơ chế linh hoạt, thuận lợi./.