Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy và trong khuôn khổ Năm Việt Nam-Italy 2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quốc tế (Ce.SI) của Italy tổ chức hội thảo với chủ đề "Những phát triển mới tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vai trò quan trọng của Italy," với diễn giả chính là Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cùng 4 học giả Italy.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, đã có gần 50 đại biểu, gồm các quan chức, trong đó có đại diện của Bộ Ngoại giao Italy, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Sergio Mattarella, các cơ quan nghiên cứu và tư vấn hàng đầu, các trường đại học, Hải quân, các nhà nghiên cứu, giới truyền thông Italy và một số Đại sứ quán các nước ASEAN tại Italy, tham dự cuộc hội thảo ngày 12/6 này.
[Tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hải quân Italy và Việt Nam]
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được liên kết chặt chẽ do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và những thách thức toàn cầu chung, cũng như quy định của pháp luật. Khoảng 40% thương mại của EU đi qua Biển Đông, khiến sự ổn định trong khu vực trở thành mối quan tâm chung và là lĩnh vực hợp tác. EU cam kết can dự với khu vực, đặc biệt là Chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Cửa ngõ toàn cầu.
Theo Đại sứ Dương Hải Hưng, Italy - một thành viên sáng lập EU, có đóng góp quan trọng vào chiến lược trên của EU và thể hiện lợi ích cũng như sự gắn kết mạnh mẽ hơn với khu vực trong thông điệp của Thủ tướng Giorgia Meloni tại Hội nghị Đối thoại Raisina ở Ấn Độ và việc tàu hải quân Francesco Morosini có chuyến thăm đến một số nước ASEAN gần đây.
Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn nêu rõ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi có 3/4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, có các quốc gia đông dân nhất, có 9 trong số các cảng biển lớn nhất thế giới.
Chính vì lý do này mà hiện có khoảng 15 quốc gia đã đưa ra các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để được tham gia việc định hình tương lai của một khu vực quan trọng nhất trên thế giới và hình thành các quy tắc toàn cầu mới.
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn tin rằng nếu Italy muốn tăng cường can dự với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì ASEAN sẽ là một đối tác quan trọng, bởi vì ASEAN rất hội nhập và đã có hơn 5 thập kỷ để xây dựng các cơ chế chủ đề và xây dựng các nền tảng để thu hút các đối tác trong và ngoài khu vực. ASEAN hiện cũng là tổ chức quốc tế duy nhất được tất cả các quốc gia ở Thái Bình Dương chấp nhận.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Marino Tiziano thuộc Ce.SI cho rằng Italy không phải mới quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà đã bắt đầu các mối quan hệ ít nhất cách đây một thập kỷ.
Ông nói: "Tuy nhiên, Italy đang ngày càng quan tâm hơn tới khu vực này khi tình hình quốc tế thay đổi. Chính sách can dự của Italy với khu vực đang đi đúng hướng, khi Rome duy trì sự hiện diện ổn định như tham gia Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ, cam kết với Chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Cửa ngõ toàn cầu của EU và xem xét khả năng tiến tới một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quốc gia."
Tiến sỹ Tiziano cũng khẳng định quan điểm của Italy là khá rõ ràng khi "ủng hộ việc tuân thủ đầy đủ các các giá trị của luật pháp quốc tế" đối với các tranh chấp trên Biển Đông.
Không chỉ lắng nghe bài thuyết trình, các đại biểu còn cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề đặt ra qua 5 bài tham luận, giúp những người tham dự được cập nhật về những phát triển mới tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vai trò và sự can dự của Italy, cũng như các lĩnh vực tiềm năng cho sự hợp tác ngoại giao nhân dân trong tương lai.
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italy và hai nước đã phát triển và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương.
Cuộc hội thảo mang tính học thuật này mở ra những cơ hội mới để tăng cường sự tiếp xúc trực tiếp và thúc đẩy trao đổi hơn nữa giữa các học giả, chuyên gia và tổ chức nghiên cứu của hai nước và được những người tham dự đánh giá cao./.