Hội thảo về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc ở Ấn Độ

Ngày 10/10, tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức buổi hội thảo về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại tỉnh.
Hội thảo về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc ở Ấn Độ ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành. (Ảnh: Huy Bình/Vietnam+)

Ngày 10/10, tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức buổi hội thảo về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Tham dự buổi hội thảo có Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, quan chức cấp cao CII và cũng là Chủ tịch hội các công ty công nghệ cao Deep Kapuria, các quan chức của tỉnh Vĩnh Phúc, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và đông đảo giới doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Kapuria nhấn mạnh Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ về chính trị, kinh tế và song phương rất bền chặt và hiện Ấn Độ đang là nhà đầu tư lớn thứ 25 ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Kapuria cho rằng các khoản đầu tư của hai nước vẫn còn thấp hơn so với kỳ vọng và tiềm năng. Ông bày tỏ mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc tạo thêm nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Vĩnh Phúc.

Về phần mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh năm 2017 là năm đầy ý nghĩa trong quan hệ song phương khi đây là năm đầu tiên hai nước thực hiện mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

[Quan hệ giữa quân đội Việt Nam-Ấn Độ đang phát triển tốt đẹp]

Đại sứ hy vọng hội thảo đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc lần này sẽ mang lại những kết quả thiết thực cho các bên tham gia, qua đó góp phần quan trọng làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược toàn diện cũng như quan hệ đầu tư giữa hai nước.

Trong khi đó, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì nhấn mạnh đến những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và giao thông, về tiềm năng phát triển công nghiệp và dịch vụ, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như những thủ tục hành chính về đầu tư đơn giản và nguồn lao động dồi dào.

Tính đến hết tháng Chín vừa qua, đã có 253 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc, với số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 3,8 tỷ USD; trong đó Ấn Độ có ba dự án đầu tư, với tổng số vốn là 8 triệu USD.

Vĩnh Phúc kêu gọi các nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy và linh kiện điện tử vốn là thế mạnh của tỉnh và vào các dự án công nghiệp sản xuất phần mềm, dược phẩm mà Ấn Độ có thế mạnh.

Tại buổi hội thảo, rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ đã bày tỏ quan tâm tới môi trường kinh doanh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, đồng thời chủ động tích cực tìm hiểu thêm thông tin về tiềm năng, thế mạnh cũng như những điều kiện ưu đãi của tỉnh Vĩnh Phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.