Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và mọi tôn giáo đều bình đẳng

Hội thảo về đóng góp của các tôn giáo trong đời sống xã hội

Phát biểu tại một hội thảo về tôn giáo tại Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Hội thảo về đóng góp của các tôn giáo trong đời sống xã hội ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Văn Sơn/TTXVN)

Trong hai ngày 30 và 31/3, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Viện Liên kết toàn cầu Hoa Kỳ (IGE) tổ chức Hội thảo "Đóng góp của các tôn giáo trong đời sống xã hội".

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Liên kết toàn cầu Hoa Kỳ cùng các sở, ban, ngành, các chức sắc tôn giáo ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý và các vị chức sắc tôn giáo trao đổi, qua đó thấy được quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện nhất quán nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân; đảm bảo sự hòa hợp, khoan dung giữa các tôn giáo.

Tại hội thảo, nhiều tham luận của các chức sắc tôn giáo tập trung vào những nội dung như thành công trong công tác giáo dục thanh thiếu niên của Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha'i Việt Nam; những đóng góp của Tịnh độ cư sĩ Phật hội trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đóng góp của Phật giáo trong việc giáo dục đạo đức xã hội; đóng góp của tôn giáo trong xã hội hiện nay... Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận xoay quanh về vấn đề an sinh xã hội...

Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Dương Ngọc Tấn nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Công dân Việt Nam đa số đều có tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó, tín đồ các tôn giáo chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước, thuộc các giai tầng, dân tộc khác nhau.

Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Tại Hiến pháp 2013 của Nhà nước Việt Nam đã ghi rõ "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật."

Quy định này tại Hiến pháp đã được cụ thể hóa trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo và được thực thi có hiệu quả trong cuộc sống.

Đến nay, cả nước có 14 tôn giáo với 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 78 nghìn chức sắc, khoảng 25 nghìn cơ sở thờ tự, hàng trăm tín ngưỡng với hàng chục vạn cơ sở thờ tự và hàng nghìn lễ hội được tổ chức hàng năm.

Nhiều lễ hội của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian đã trở thành ngày hội chung của toàn dân, lôi cuốn hàng chục triệu người tham gia như lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Noel, lễ Phật đản... Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và tích cực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục