Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng nay, 29/6 (ngày làm việc cuối của kỳ họp), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Cùng với đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng (đây là những luật dự kiến sẽ được Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1/8/2024, thay vì từ ngày 1/1/2025 theo trình tự, thủ tục rút gọn).
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được đề xuất điều chỉnh những gì?
Không còn “mức lương cơ sở,” bổ sung cơ chế “đặc thù” để bảo vệ người lao động; biện pháp xử lý trường hợp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc... sẽ là một số điều chỉnh của dự thảo Luật.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.”
Trong quãng thời gian còn lại của buổi sáng (bắt đầu từ 9 giờ 30 phút), Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Theo đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giảm thuế giá trị gia tăng; thực hiện cải cách tiền lương).
Cuối buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp./.
Bộ trưởng TN-MT: Đủ cơ sở để thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở từ ngày 1/8
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết đã có đầy đủ cơ sở để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.