Hơn 12,3 triệu lao động đã nhận tiền hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp

Tổng số tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ là 28.192 tỷ đồng.
Hơn 12,3 triệu lao động đã nhận tiền hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp ảnh 1Người lao động được chi trả tiền hỗ trợ từ nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Theo số liệu mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đết hết ngày 29/11, cơ quan này đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 12.321.604 lao động. Trong đó, số người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11.425.650 lao động; đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp 895.954 lao động.

Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ là 28.192 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến sẽ có trên 2,42 triệu người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, số hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ của nhóm này gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội chưa đến 50% tổng số lao động dự kiến thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ.

Cơ quan bảo hiểm cũng thông báo hạn cuối cùng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là ngày 20/12 để nhóm lao động này sớm gửi hồ sơ nhận hỗ trợ.

Song song với việc triển khai chi trả hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng triển khai Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động  và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

[Hơn 1 triệu lao động được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp chưa nộp hồ sơ]

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 810 đơn vị với 152.883 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.071,2 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, các cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã xác nhận danh sách cho hơn 2,7 triệu lao động của 67.734 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có1.851.612 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 60.700 đơn vị; 537.771 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 5.347 đơn vị; 3.875 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 36 đơn vị.

Hơn 12,3 triệu lao động đã nhận tiền hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp ảnh 2

Bảo hiểm xã hội đã xác nhận danh sách 82.531 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 của 1.024 đơn vị được vay vốn trả lương ngừng việc; 203.824 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất của 404 đơn vị.

Người lao động và người sử dụng lao động trên cả nước đều vui mừng và đánh giá cao gói hỗ trợ đầy tính nhân văn, chia sẻ, kịp thời lần này của Quốc hội và Chính phủ. Gói hỗ trợ này cũng tiếp tục khẳng định, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý và sử dụng đảm bảo an toàn hiệu quả, minh bạch.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây nên, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và người sử dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuỗi cung ứng lao động, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, trong quá trình triển khai, ngành sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để 386.000 doanh nghiệp và gần 13 triệu người lao động trên toàn quốc được hưởng chính sách một cách nhanh chóng nhất, chính xác nhất và công khai, minh bạch.

“Với quy định thủ tục hồ sơ hưởng chính sách từ gói hỗ trợ này được cải cách tối đa, những người có tên trong danh sách đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp sẽ được rà soát, đối chiếu và cơ bản nếu có tài khoản cá nhân sẽ nhận được tiền hỗ trợ,” theo ông Lê Hùng Sơn.

Trong hướng dẫn tổ chức thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng luôn nhấn mạnh Bảo hiểm xã hội các địa phương phải tăng cường cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tính tuân thủ nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thực hiện giải ngân gói hỗ trợ này. Nếu cán bộ trong hệ thống Bảo hiểm xã hội không tuân thủ quy trình nghiệp vụ, tinh thần, thái độ phục vụ không tốt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo thực thi công vụ, cải cách hành chính, để người dân và doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất có thể nhận được tiền hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục