Thông tin chính thức từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/8 cho thấy, riêng trong tháng Tám này, khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức hơn 1,32 triệu lượt người, tăng 11,3% so với tháng trước đó.
Tính chung 8 tháng của năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 10,4 triệu lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khách đến bằng đường hàng không tăng 17,3%; đường bộ tăng 62,1%; đường biển tăng 1,6%.
Trong 8 tháng qua, khách đến từ châu Á chiếm 77,2% tổng số khách du lịch đến Việt Nam, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng: Khách đến từ Trung Quốc tăng 28,2%; Hàn Quốc tăng 52,4%; Nhật Bản tăng 5,3%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 14%; Malaysia tăng 13%; Thái Lan tăng 10,9%; Singapore tăng 5,4%.
Khách đến từ châu Âu cũng tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách đến từ Liên bang Nga tăng 7,5%; khách Hà Lan tăng 8,4%; Thụy Điển tăng 14,2%. Khách đến từ 5 thị trường Tây Âu được Việt Nam miễn thị thực cũng tăng trưởng tốt; trong đó, khách từ Vương quốc Anh tăng 6,7%; Pháp tăng 10,6%; Đức tăng 7,9%; Tây Ban Nha tăng 10,9%; Italy tăng 15,3%;
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng qua ước đạt 26.800 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm năm ngoái.
Một số địa phương có mức tăng khá như Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 24,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 22,4%; Lào Cai tăng 19,3%; Quảng Ninh tăng 17,2%; Hà Nội tăng 11,2%.
[Đà Nẵng trở thành điểm đến ưa thích nhất của người Hàn Quốc]
Mục tiêu của ngành Du lịch thực hiện trong năm nay là đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế (tăng trưởng từ 16-30% so với năm 2017), phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa. Với mức tăng trưởng như hiện nay, ngành du lịch hoàn toàn có thể tin tưởng hoàn thành được mục tiêu trên.
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ sáu trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất thế giới. Nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam được vinh danh với các giải thưởng danh giá hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, quá trình phát triến của ngành du lịch Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, trong đó việc thiếu nhà vệ sinh dành cho khách du lịch hoặc có nhà vệ sinh nhưng chưa đạt chuẩn là một bất cập cần khắc phục.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự hài lòng của khách du lịch, làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam.
Để tiếp tục làm hài lòng du khách trong nước, quốc tế, Tổng cục Du lịch đã phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh dành cho khách du lịch.
Tổng cục Du lịch đã phổ biến kế hoạch triển khai xã hội hóa nhà vệ sinh dành cho khách du lịch tại Công viên Biển Đông ở thành phố Đà Nẵng nhằm nhân rộng các cơ sở kinh doanh du lịch, thương mại, khách sạn, nhà hàng, các quán càphê, bar, các hộ kinh doanh, shop, showroom của doanh nghiệp trên địa bàn cả nước./.