Hơn 200 doanh nghiệp dự Hội nghị thương mại Việt Nam-Algeria-Senegal

Chủ tịch ONDE khẳng định Algeria là thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư, hợp tác thương mại với Algeria nói riêng và châu Phi nói chung.
Hơn 200 doanh nghiệp dự Hội nghị thương mại Việt Nam-Algeria-Senegal ảnh 1Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận (giữa) tại Hội nghị giao thương trực tuyến về khai thác tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam-Algeria-Senegal 2021 diễn ra trong hai ngày 5 và 6/4. (Ảnh: Tấn Đạt/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Algers, hơn 200 doanh nghiệp Algeria, Senegal và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như nông sản thực phẩm, hải sản, dệt may, da giày, hàng điện tử, dược phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc thú y, hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí, linh kiện phụ tùng ôtô xe máy, vật liệu xây dựng… đã tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến về khai thác tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam-Algeria-Senegal 2021.

Đây là hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal phối hợp cùng với Phòng Thương mại-Công nghiệp và Nông nghiệp Dakar (Senegal) và Tổ chức phát triển kinh tế quốc gia Algeria (ONDE) tổ chức trong hai ngày 5-6/4 với 3 điểm cầu chính tại thủ Algiers, Dakar và Hà Nội nhằm thúc đẩy trao đổi hợp tác thương mại và đầu tư giữa 3 quốc gia.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh các nước vẫn đóng cửa biên giới và trước các tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, đây là một trong những hoạt động xúc tiến quan trọng, tạo cầu nối giá trị cho doanh nghiệp 3 nước trong bối cảnh việc tới thăm, giao dịch trực tiếp tại thị trường của nhau chưa được kết nối trở lại.

“Tôi hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam, Algeria và Senegal sẽ tận dụng tối đa thời gian giao dịch tại các phiên giao thương của hội nghị trong ngày hôm nay và ngày mai để chia sẻ các tiềm năng, nhu cầu trao đổi thương mại và đầu tư, cùng hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn kinh tế nhiều khó khăn, thách thức và cùng phát triển. Vietrade luôn sẵn sàng phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam, Algeria và Senegal có thêm cơ hội hợp tác kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài,” ông Vũ Bá Phú bày tỏ.

Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Thành Vinh cho biết, đây là lần thứ 2, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã tổ chức Hội thảo trực tuyến dành cho doanh nghiệp kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Theo Đại sứ, tiếp nối Hội thảo xúc tiến thương mại Việt Nam-Algeria tháng 11/2020, Hội nghị giao thương trực tuyến lần này nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp ba nước gặp gỡ, trao đổi về khả năng hợp tác thương mại, đầu tư và thiết lập quan hệ một cách trực tiếp, hiệu quả.

Đại sứ đồng thời khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Senegal) luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp 3 nước trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, giới thiệu đối tác tin cậy và triển khai các dự án hợp tác trong tương lai.

[Cơ hội đưa nông sản, thực phẩm Việt vào thị trường Algeria và Senegal]

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại-Công nghiệp và Nông nghiệp Dakar Abdoulaye Sow và lãnh đạo Tổ chức phát triển kinh tế quốc gia Algeria (ONDE) cũng đã chia sẻ về tiềm năng, nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực kinh tế của Senegal và Algeria với Việt Nam, đồng thời đại diện hai quốc gia này cũng đưa ra các đề xuất để giúp các bên tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau nhằm thiết lập quan hệ đối tác tin cậy.

Về phần mình, ông Roubai Nasreddine Mounir  - Chủ tịch ONDE - đánh giá cao về hiệu quả của hội nghị trong việc xúc tiến thương mại và đầu tư đối với 3 nước Algeria, Senegal và Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn thế giới như hiện nay.

Đồng thời, ông Mounir cũng khẳng định, Algeria là một thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với Algeria nói riêng và châu Phi nói chung.

Nhân dịp này, Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận tại Algeria (kiêm các thị trường Senegal, Mali, Niger, Gambia và Tunisia) đã giới thiệu về tiềm năng xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Việt Nam với Algeria và Senegal, các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại, công nghiệp trong thời gian tới và phổ biến những quy định xuất nhập khẩu, phương thức thanh toán, thuế quan, cách xác minh đối tác, các kênh phân phối tại ba thị trường…

Ngoài ra, Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận cũng kêu gọi các doanh nghiệp Algeria và Senegal tham gia vào các sự kiện thương mại sắp diễn ra tại Việt Nam như Hội chợ Thương mại quốc tế Vietnam Expo 2021 từ ngày 14-17/4 tới, Tuần lễ giao thương trực truyến ngành gỗ nội thất và thủ công mỹ nghệ (từ 12-19/4), Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp Ôtô, Xe máy, Xe điện và Công nghiệp Hỗ trợ (từ 20-23/5 dưới hình thức tích hợp hai phiên bản triển lãm truyền thống và trực tuyến.)

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, thương mại song phương Việt Nam-Algeria trong năm 2019 đạt 190 triệu USD. Đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước chỉ đạt 150 triệu USD, giảm 20% so với năm 2019 do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Trong đó, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Algeria bao gồm cà phê, gạo, hạt tiêu, thủy sản, sản phẩm sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và phụ tùng, máy móc thiết bị... Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu của Algeria là dược phẩm, khoáng sản, giấy phế liệu, thức ăn chăn nuôi...

Hơn 200 doanh nghiệp dự Hội nghị thương mại Việt Nam-Algeria-Senegal ảnh 2

Đại sứ Nguyễn Thành Vinh (giữa) tại Hội nghị giao thương trực tuyến về khai thác tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam-Algeria-Senegal 2021 diễn ra trong hai ngày 5 và 6/4. (Ảnh: Tấn Đạt/TTXVN)

Theo Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận, mặc dù đã đạt được những tiến bộ nhưng hợp tác kinh tế hiện nay giữa Algeria và Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước và chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Không chỉ là một thị trường triển vọng, Algeria được xem quốc gia có cơ sở hạ tầng khá tốt mà doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, du lịch, nuôi trồng thủy sản, công nghệ..., tạo bàn đạp đưa hàng vào các nước châu Phi nhất là khi Hiệp định thương mại lục địa này có hiệu lực từ 1/1/2021.

Về phần mình, Việt Nam cũng kêu gọi các công ty Algeria tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nơi được coi là cửa ngõ thâm nhập thị trường châu Á, đặc biệt là khối ASEAN với 650 triệu người tiêu dùng.

Về quan hệ thương mại Việt Nam-Senegal, hai nước đã ký Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Văn hóa và Khoa học-Kỹ thuật năm 1995 và đến năm 2012, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Dakar đã ký thỏa thuận hợp tác tại Dakar.

Tuy nhiên, thương mại giữa hai nước hiện còn khá khiêm tốn, chưa phát huy hết tiềm năng. Theo Hải quan Việt Nam, thương mại giữa Việt Nam và Senegal chỉ đạt 95 triệu USD vào năm 2019.

Các mặt hàng chính mà Việt Nam xuất khẩu sang Senegal bao gồm gạo, hạt tiêu, bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc, điện thoại di động và phụ tùng, hàng dệt may, rau quả, thủy sản... Và các mặt hàng chính mà Việt Nam nhập khẩu từ Senegal là hạt điều, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hàng hải, bông…

Ngoài hoạt động thương mại thông thường, hiện các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu khả năng đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tại Senegal như hạt điều, bông, xoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.