Hơn 200 doanh nghiệp sẽ tham Vietfood & Beverage-ProPack 2017

Từ 8-11/11, ở Trung tâm triển lãm ICE-91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm-Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống.
Hơn 200 doanh nghiệp sẽ tham Vietfood & Beverage-ProPack 2017 ảnh 1Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm-Đồ uống 2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Từ 8-11/11, tại Trung tâm triển lãm ICE-91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm-Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm và đồ uống với tên gọi Vietfood & Beverage-ProPack 2017.

Đây là triển lãm thường niên do Công ty Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad) thực hiện cùng phối hợp với các tổ chức xúc tiến các nước và các Hiệp hội ngành hàng liên quan đồng tổ chức với mục tiêu kết nối xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước (B2B) cho đến các hoạt động quảng cáo bán lẻ (B2C).

Theo Ban tổ chức, triển lãm năm nay ghi nhận sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Singapore, Đan Mạch, Bugaria, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, gia tăng 15% so với năm 2016.

Các mặt hàng trưng bày tại triển lãm cũng đa dạng và phong phú hơn so với mọi năm như rau quả (tươi, sấy khô, đóng hộp, chế biến sẵn); thủy sản (chế biến sẵn, đông lạnh); nông sản (càphê, chè, hạt điều, hạt tiêu,…); nguyên liệu chế biến thực phẩm-đồ uống-làm bánh kẹo; đồ uống có cồn, nước hoa quả, trà, càphê; thiết bị đóng gói, bảo quản thực phẩm, đông lạnh; các nhãn hàng nhượng quyền thương hiệu; thiết bị vật dụng nhà hàng khách sạn…

Ngoài ra, tại Vietfood & Beverage-ProPack 2017, lần đầu tiên Hy Lạp tham gia và trưng bày sản phẩm rất đặc trưng của vùng đất này là quả đào với thành phẩm nước uống đóng hộp.

Đây là đất nước có sản lượng trồng đào lớn thứ ba châu Âu và lớn thứ năm thế giới; quả đào ở đây không chỉ đơn thuần là trái cây, nó được xem như biểu tượng và gắn liền với đời sống của người nông dân.

Ngoài các sản phẩm đến từ các thị trường truyền thống như Malaysia, Hàn Quốc và Indonesia, triển lãm đón nhận các sản phẩm mới lạ từ các thị trường khác từ châu Âu (Đan Mạch, Bulgari, Hy Lạp). Điều này cho thấy sức hấp dẫn từ Việt Nam mà các quốc gia phương Tây đang mong muốn tìm một chỗ đứng.

Khu gian hàng Hàn Quốc đến từ vùng Chungnam lần đầu tiên tham gia với 15 doanh nghiệp trưng bày các mặt hàng đặc trưng của vùng như nấm linh chi, nhân sâm, càphê, nước hoa quả đóng hộp, …

Có thể nói các sản phẩm của Hàn Quốc đã luôn có mặt tại Vietfood Beverage-ProPack tại Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, Chungnam là thành phố lần đầu tiên tham dự sự kiện này.

Điểm đáng nói nhất cũng là điểm nổi bật nhất dành cho các sản phẩm của Hàn Quốc là mẫu mã sáng tạo, luôn đổi mới, phù hợp với từng chủng loại sản phẩm và thị hiếu của từng đối tượng người dùng. Có lẽ điều này mà người tiêu dùng Việt Nam luôn bị hấp dẫn và sẵn sàng chi trả để trải nghiệm sản phẩm mới.

Cùng với đó, các công ty Nhật Bản lần đầu tiên mang tới sản phẩm là các túi đá giữ nhiệt lạnh, giúp cho sản phẩm (hoa quả, rau thịt, bia, đồ uống) luôn giữ được sự tươi ngon.

Với Nhật Bản, một quốc gia mà yếu tố sáng tạo, tính ứng dụng cao luôn được xem là kim chỉ nam cho sản phẩm, và điều đó làm nên thương hiệu minh chứng cho các sản phẩm gắn mác “Made in Japan” luôn mang đến sự an tâm cho người dùng.

Ban tổ chức kỳ vọng trong các năm tới số lượng doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ gia tăng nhiều hơn để nguồn cung tương ứng với nhu cầu của thị trường.

Số liệu của Nielsen Việt Nam cho thấy, có sự phục hồi đà tăng trưởng diễn ra ở mảng thực phẩm (4,7%). Năm 2016, quy mô thị trường thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được đánh giá vào khoảng 30 tỷ USD.

Hãng nghiên cứu thị trường BMI Research đánh giá ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm cho giai đoạn 2017-2019 là 10,9%.

Vì thế, đây là “sân chơi” dành cho các doanh nghiệp Việt Nam gồm các công ty sản xuất trong nước cũng như các công ty nhập khẩu, phân phối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.