Hơn 3.000 thương hiệu hàng xa xỉ toàn cầu tìm cơ hội tại Trung Quốc

Các thương hiệu xa xỉ đã đến đảo Hải Nam để giới thiệu những sản phẩm mới nhất của họ, với hy vọng hưởng lợi từ đà phục hồi hậu COVID-19 của hòn đảo nổi tiếng với hoạt động mua sắm miễn thuế.
Hơn 3.000 thương hiệu hàng xa xỉ toàn cầu tìm cơ hội tại Trung Quốc ảnh 1Gian hàng của Shiseido tại Triển lãm Sản phẩm Tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc tại Hải Nam. (Nguồn: moodiedavittreport)

Đại diện của hơn 3.000 thương hiệu hàng xa xỉ trên toàn cầu đã đến đảo Hải Nam, Trung Quốc trong tuần này để giới thiệu những sản phẩm mới nhất của họ, với hy vọng hưởng lợi từ đà phục hồi hậu COVID-19 của hòn đảo nổi tiếng với hoạt động mua sắm miễn thuế này.

Khoảng 300.000 người dự kiến đến thăm Triển lãm Sản phẩm Tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc tại Hải Nam diễn ra từ ngày 10-15/4. Sự kiện này đánh dấu sự trở lại của đảo Hải Nam như một điểm đến du lịch, sau khi hòn đảo chịu tổn thất nặng nề vào năm ngoái bởi các biện pháp kiềm chế dịch COVID-19 "cứng rắn" của Trung Quốc.

Những “gã khổng lồ” về mỹ phẩm như Shiseido của Nhật Bản đã quảng bá sản phẩm với bao bì độc quyền cho thị trường Hải Nam, trong khi các thương hiệu xe hơi hạng sang như Bentley, Porsche và Ferrari trưng bày những chiếc xe hiệu suất cao với mẫu mã bóng bẩy tại triển lãm.

Bà Ella Yu, người đứng đầu bộ phận truyền thông doanh nghiệp của tập đoàn mỹ phẩm Shiseido tại Trung Quốc, cho biết tại sự kiện năm nay, bà cảm thấy như mọi công ty đều giới thiệu các thương hiệu và sản phẩm mới nhất để nắm bắt cơ hội do sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc mang lại.

Hải Nam, còn được biết đến với tên gọi "Hawaii của Trung Quốc," kể từ năm 2020 đã trở thành một điểm đến mua sắm lớn trong nước khi Bắc Kinh đẩy mạnh quảng bá địa điểm này như một trung tâm bán lẻ du lịch.

Đặc biệt, hoạt động mua sắm tại Hải Nam đã bùng nổ trong thời kỳ dịch COVID-19, thu hút nhiều người dân Trung Quốc đam mê mua sắm nhưng không thể đi du lịch nước ngoài do biên giới bị đóng cửa.

Điều đó đồng nghĩa khi đà phục hồi chi tiêu tiêu dùng vẫn còn chậm chạp ở nhiều nơi trên cả nước, thì hoạt động mua sắm đã diễn ra mạnh mẽ ở đảo Hải Nam sau khi Chính phủ Trung Quốc kết thúc chính sách Zero-COVID vào tháng 12/2022. Doanh số bán hàng miễn thuế trên đảo này đã tăng 20% trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài bảy ngày vào tháng Một năm nay.

Chính phủ Trung Quốc còn có kế hoạch nâng cao vị thế của đảo Hải Nam hơn nữa. Bắc Kinh đặt mục tiêu miễn thuế cho toàn bộ hàng hóa bán trên hòn đảo vào năm 2025. Về cơ bản, mức giá rẻ hơn từ 10-40% đối với các loại hàng hóa từ mỹ phẩm, rượu và các sản phẩm xa xỉ tại 12 trung tâm mua sắm miễn thuế hiện có sẽ mở rộng áp dụng cho toàn tỉnh.

Động thái trên của chính phủ đã khiến các công ty tiêu dùng cao cấp trên toàn cầu muốn tham dự triển lãm năm 2023, như một cách thể hiện cam kết của họ với thị trường Trung Quốc. Các nhà tổ chức cho biết khoảng 3.300 thương hiệu đã tham gia sự kiện năm nay, so với con số 2.800 của năm ngoái.

[Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc ngày càng tăng cao]

Trước đó, hàng loạt giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn hàng đầu thế giới đã tới thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhằm tăng cường sự hiện diện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thông qua việc tái cơ cấu và thiết lập các quan hệ đối tác liên doanh.

CEO của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs - ông David Solomon, CEO của ngân hàng đầu tư HSBC Noel Quinn và CEO của ngân hàng Standard Chartered - ông Bill Winters là những nhân vật nổi bật đã có cuộc gặp trực tiếp giới chức và lãnh đạo cơ quan quản lý Trung Quốc kể từ cuối tuần trước.

Theo Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC), các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư quốc tế được hoan nghênh mở rộng hoạt động ở Trung Quốc. Tại các cuộc gặp, hai bên đã "trao đổi quan điểm về thị trường quốc tế, tiềm năng kinh tế của Trung Quốc và cam kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực."

CEO Quinn của HSBC và CEO Winters của Standard Chartered cũng đã tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2023 tổ chức tại Bắc Kinh vào cuối tuần trước, cũng như có các cuộc gặp với giới chức tài chính của nước chủ nhà.

Trong khi đó, ông Chip Kaye - CEO của công ty cổ phần tư nhân Warburg Pincus, đã có cuộc gặp với Thị trưởng Bắc Kinh - ông Ân Dũng, trong chuyến thăm thành phố này hồi tuần trước.

Tương tự, các CEO của công ty đầu tư toàn cầu Temasek (Singapore), tập đoàn bảo hiểm Manulife (Canada) và ngân hàng đầu tư Daiwa Securities (Nhật Bản) cũng đã có các cuộc gặp với giới lãnh đạo của CSRC.

Các chuyến thăm trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gửi thông điệp rằng nước này đã sẵn sàng mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, sau một thời gian dài phong tỏa để kiểm soát đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.