Hơn 5.000 lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam được cách ly, theo dõi

Báo cáo nhanh của 41 địa phương cho biết, có 5.112 trường hợp lao động Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc đang đang được cách ly, theo dõi.
Lao động Trung Quốc tại Việt Nam đang được cách ly theo dõi. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Lao động Trung Quốc tại Việt Nam đang được cách ly theo dõi. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh do chủng mới của virus corona (COVID-19) liên quan tới lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Theo đó, đến nay chỉ có hơn 29% lao động Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc, những lao động này đang được các địa phương cách ly, theo dõi.

Báo cáo của 63 địa phương cho biết, có 33.775 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương đã được cấp giấy phép lao động, trong đó có 26.388 lao động Trung Quốc đã về nước ăn Tết.

Hơn 5.000 lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam được cách ly, theo dõi ảnh 1

Theo cập nhật của các địa phương đến 16 giờ ngày 10/2, có 15.018 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có hơn 7.300 lao động ở lại Việt Nam dịp Tết và hơn 7.600 lao động Trung Quốc quay trở lại sau dịp Tết Nguyên đán (chiếm 22,59% lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam).

Báo cáo nhanh của 41 địa phương cho biết, có 5.112 trường hợp lao động Trung Quốc đang được cách ly, theo dõi. Trong đó, có 248 trường hợp đã vào Việt Nam 14 ngày; 1.085 trường hợp vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ 10-14 ngày và 3.779 trường hợp vào Việt Nam dưới 10 ngày.

Các trường hợp được lao động người Trung Quốc cách ly chủ yếu tại khu ký túc xá doanh nghiệp, khách sạn, có một số trường hợp nghi nhiễm được địa phương theo dõi, cách ly tại các cơ sở y tế.

[Tạm dừng tiếp nhận lao động Trung Quốc về quê ăn Tết quay lại Việt Nam]

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến nay lao động Trung Quốc đa phần chưa quay lại sau Tết Nguyên đán do dịch bệnh COVID-19 (nCoV). Việc quản lý và điều hành doanh nghiệp của lao động Trung Quốc chủ yếu thực hiện qua điện thoại và mạng internet nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Hiện nay, các nước chỉ công bố số liệu về công dân nhiễm virus COVID-19 (nCoV) chứ không công bố vùng có dịch nên các địa phương đang gặp khó khăn trong việc xác định người lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch để không cấp giấy phép lao động mới cho lao động trong thời gian này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục