Hơn 55.000 lao động đi nước ngoài làm việc trong 6 tháng

Trong 6 tháng, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài ở tất cả các thị trường tăng 141% so với cùng kỳ năm 2013, các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống đều tăng trưởng tốt.
Điều dưỡng viên chuẩn bị làm thủ tục sang làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 55.205 lao động (19.842 lao động nữ), đạt 63,5% kế hoạch năm 2014 và tăng 138,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài ở tất cả các thị trường tăng 141% so với cùng kỳ năm 2013. Các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống đều tăng trưởng tốt, số lượng lao động đi Đài Loan tăng 187%; Nhật Bản tăng 180%, Hàn Quốc tăng 182%.

Cũng là một thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, nhưng số lượng lao động đi Malaysia làm việc lại đang giảm, chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm năm ngoái. Mặc dù thị trường Malaysia đã có những thay đổi mới về chính sách tiền lương, chế độ cho người lao động nước ngoài nhưng do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng kinh tế trước đó khiến nhiều lao động Việt Nam mất việc, phải trở về tay trắng nên lao động chưa mặn mà với thị trường này.

Tính riêng trong tháng Sáu tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 9.747 lao động (3.274 lao động nữ), trong đó thị trường Đài Loan là 5.058 lao động (1.728 lao động nữ), Nhật Bản là 2.574 lao động (879 lao động nữ), Hàn Quốc là 643 lao động, Malaysia là 446 lao động, Arập Xêút là 254 lao động, Macau là 218 lao động và các thị trường khác.

Trong 6 tháng đầu năm, thêm 16 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tính đến 30/6, cả nước có 196 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết thêm, hiện nay có bốn doanh nghiệp đang làm thủ tục trả giấy phép là: Công ty Phương Thành, Công ty CC8, Công ty LATUCO, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tổng hợp Sơn La. Lý do các công ty này trả giấy phép là do không đáp ứng được các yêu cầu mới trong hoạt động đưa lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc đơn vị chủ quản quyết định không đầu tư phát triển thêm đối với hoạt động xuất khẩu lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục