Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường lần thứ II, năm 2020 có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước” sẽ diễn ra ra ngày 10-12/12 tại tỉnh Thanh Hóa.
Ngày hội thu hút sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc Mường của 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Phước).
"Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường là sự kiện văn hóa quy mô lớn, hướng đến chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mường trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng mà thống nhất," Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1/12.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường sẽ khai mạc tối 10/12, tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chủ đề chương trình nghệ thuật khai mạc là “Âm vang xứ Mường,” có sự kết hợp giữa tập tục, nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống.
Chương trình gồm 3 chương “Sắc màu hội tụ,” “Âm vang xứ Mường” và “Chinh phục tương lai,” có sự tham gia của các nghệ sỹ dân ca của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, Nhà hát truyền thống tỉnh Thanh Hóa và các trung tâm văn hóa của 6 tỉnh, thành phố; các ca sỹ nổi tiếng ở dòng nhạc dân gian…
Vào ngày 10/12 diễn ra lễ viếng dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc tại Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sỹ thành phố Thanh Hóa.
Trong khuôn khổ Ngày hội, sẽ diễn ra các hoạt động trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; trình diễn dệt thủ công dân tộc Mường. Đồng bào tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mường; trình diễn, giới thiệu nghi thức, sinh hoạt văn hóa và diễn tấu cồng chiêng dân tộc Mường.
Bên cạnh đó là các hoạt động thể dục thể thao truyền thống dân tộc Mường (vật cổ truyền, bắn nỏ, kéo co, tung còn, đánh mảng, đẩy gậy), các hoạt động du lịch, hoạt động tuyên truyền, cổ động thông qua trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Mường.
Lễ bế mạc Ngày hội sẽ diễn ra tối 12/12.
[Thanh Hóa: Người lưu giữ và trao truyền "hồn cốt" xứ Mường]
“Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc Mường ở nhiều nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nhân dịp này, đồng bào Mường giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới bạn bè trong nước và quốc tế,” bà Thủy cho biết.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, khẳng định công tác chuẩn bị cho ngày hội đã sẵn sàng.
"Các chương trình tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường lần này được chuẩn bị chu đáo, luyện tập dàn dựng công phu. Trong đó có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Hoạt động văn hóa, thể thao được với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh," ông nói.
Đặc biệt, nội dung hoạt động của ngày hội đều do các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công... người dân tộc Mường chọn lọc từ đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào. Các hoạt động đều mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, giao lưu văn hóa nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại. Có thể nói, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường góp phần tạo dựng sân chơi văn hóa, thể thao và du lịch bổ ích; đảm bảo hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong đời sống xã hội./.