Hơn 600 sinh viên Hà Nội đối thoại về vấn đề ‘chống’ biến đổi khí hậu

Ngày 8/5, tại Hà Nội, các nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng hơn 600 sinh viên đến từ các trường đại học đã tham dự buổi đối thoại với thanh niên về vấn đề biến đổi khí hậu.
Hơn 600 sinh viên Hà Nội đối thoại về vấn đề ‘chống’ biến đổi khí hậu ảnh 1Các đại biểu và sinh viên tham dự buổi đối thoại về biến đổi khí hậu. (Nguồn ảnh: Gemmes Việt Nam)

Ngày 8/5, các nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng hơn 600 sinh viên đến từ các trường đại học đã cùng nhau thảo luận về những thực trạng và hướng đi vì một Việt Nam phát triển bền vững trước sự biến đổi khí hậu.

Buổi Tọa đàm đối thoại với thanh niên về vấn đề biến đổi khí hậu do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) phối hợp với Bộ Tài nguyên-Môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.

Tại buổi đối thoại, các nhà khoa học trực thuộc các Bộ, ban, ngành, các tổ chức xã và các bạn sinh viên đã bàn đến vấn đề thanh niên cần thay đổi những thói quen nào, tác động đến những người xung quanh như thế nào... bởi biến đối khí hậu tác động đến chính tương lai của giới trẻ.

Đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ, ông Oliver Sigaux-Phó Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, mục đích của buổi đối thoại này là giúp giới trẻ có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về biến đổi khí hậu đồng thời cho phép bản thân mỗi bạn trẻ trở thành nhân tố của sự phát triển chung của toàn xã hội.

Chia sẻ tại buổi đối thoại với thanh niên về vấn đề biến đổi khí hậu, tiến sỹ Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã tác động tiêu cực đến sản xuất, tàn phá hạ tầng, đời sống của nhân dân ở nhiều nơi, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản.

Xu hướng bão lũ, hạn hán, nước biển dâng gây sạt lở đất, đá ngày càng có cường độ mạnh hơn ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi, ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long.

“Nếu không có những giải pháp ứng phó một cách hệ thống, tổng thể, hiệu quả, chúng ta sẽ đối mặt những nguy cơ hiện hữu thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định cuộc sống của người dân, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước,” ông Cường nói.

[Việt-Pháp tuyên bố triển khai nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu]

Ông Cường cũng cho biết, Việt Nam đã sớm tham gia ký các Công ước, Nghị định thư và các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu. Chính phủ và các bộ ngành cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách và ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, tất cả các bên cũng như các thành phần trong xã hội phải cùng tham gia, trong đó đặc biệt là giới trẻ cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cần nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, bởi đây là lực lượng nòng cốt sẽ quyết định đến tương lai phát triển của đất nước.

“Thanh niên, thế hệ trẻ là những người giỏi và năng động trong phổ biến, truyền bá thói quen ứng dụng và phát triển công nghệ mới, góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, các bạn có khả năng thích ứng tốt và có thể nhanh chóng xây dựng một phong cách sống mới là phong cách sống xanh và truyền cảm hứng cho những người xung quanh mình,” ông Cường nhấn mạnh.

Cũng trong buổi đối thoại, AFD và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng nhau tuyên bố triển khai chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu (Gemmes).

Chương trình được sáng lập với mục đích góp phần tạo thuận lợi cho những đối thoại chính sách công xoay quanh các vấn đề kinh tế vĩ mô gắn với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Theo đó, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên tại châu Á được thụ hưởng chương trình này.

Ông Fabrice Richy, Giám đốc AFD cho biết, chương trình nghiên cứu ứng dụng Gemmes sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm ứng dụng những phương pháp nghiên cứu mới nhất về các tác động kinh tế của biến đổi khí hậu, qua đó đưa ra những đánh giá về khả năng thiệt hại cũng như các quỹ đạo thích ứng của Việt Nam.

Các đánh giá từ chương trình Gemmes sau đó sẽ được sử dụng để xác định vị thế quốc tế của Việt Nam trong đàm phán về khí hậu, đồng thời nhằm mục đích nội bộ khi tối ưu hóa được các khoản đầu tư thích ứng ở cấp tỉnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục