Ngày 8/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tổ chức phát động “Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam chia sẻ, kinh doanh bền vững giờ đây đã không còn là mối quan tâm dành riêng cho các cường quốc, mà đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển của toàn nhân loại. Thông qua kinh doanh tốt hơn, chúng ta có thể xây dựng một thế giới tốt hơn.
Theo ông Vinh, để hội nhập và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thay đổi tư duy theo hướng phát triển bền vững, lâu dài, thay vì chạy theo những cái lợi trước mắt.
Rõ ràng, cơ hội thị trường trị giá 12.000 tỷ USD đến năm 2030 sẽ chỉ dành cho những doanh nghiệp thức thời, đưa phát triển bền vững vào trọng tâm của chiến lược hoạt động kinh doanh của mình.
Điểm đặc biệt của Chương trình năm nay là 2 đơn vị trên sẽ phối hợp với các nhóm chuyên gia xác lập một “mức chuẩn phát triển bền vững.”
Bên cạnh việc vinh danh 100 doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững xuất sắc nhất, các doanh nghiệp đạt mức chuẩn trên đều được ghi nhận là doanh nghiệp bền vững.
[Vì sao chi phí về logistics của Việt Nam luôn cao ngất ngưởng?]
Đây chính là cách VCCI khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững để họ hiểu rằng, không lọt Top 100 không có nghĩa là doanh nghiệp đứng ngoài cuộc chơi phát triển bền vững.
Bước sang năm thứ 3 triển khai chương trình, Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) tiếp tục được sử dụng làm thước đo để đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia chương trình.
Là bộ chỉ số đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững, việc tích hợp các thông lệ, quy ước tiêu chuẩn quốc tế đi cùng với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam đã tạo nên tính ưu việt của CSI.
Ngoài ra, ưu điểm khác của Bộ chỉ số CSI là dễ sử dụng, có thể áp dụng được với tất cả doanh nghiệp ở mọi loại hình, phạm vi và quy mô khác nhau.
Theo bà Đào Thúy Hà, đại diện doanh nghiệp Traphaco, bộ chỉ số CSI đánh giá toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, về những vấn đề lao động… chứ không chỉ là nguồn vốn, tài chính.
Khi tích hợp CSI vào trong báo cáo bền vững thì bức tranh về hoạt động của doanh nghiệp sẽ trở nên minh bạch và gần gũi hơn nhiều. Giá trị của doanh nghiệp đem lại cho cổ đông và xã hội không chỉ là cổ tức, mà còn nhiều giá trị khác; công ăn việc làm, duy trì, bảo vệ môi trường, duy trì nguồn vốn tự nhiên.
“Có 3 trụ cột để một doanh nghiệp phát triển bền vững, gồm tăng trưởng hiệu quả và bền vững, chung tay vào vệ môi trường, đồng thời đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội,” bà Đào Thúy Hà chia sẻ.
Năm 2017, Chương trình đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam đã thu hút sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên cả nước; qua đó, 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất đã được vinh danh Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam.
Dự kiến, Lễ công bố các doanh nghiệp phát triển bền vững năm nay sẽ được tổ chức vào tháng 11/2018 tại Hà Nội.
Theo VCCI, đây là chương trình được tổ chức thường niên, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015 về việc xếp hạng doanh nghiệp bền vững từ năm 2016.
Sau hai năm triển khai, chương trình đã xây dựng được thương hiệu uy tín và tầm ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, đánh dấu nỗ lực của VCCI nói chung và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam nói riêng, trong việc khích lệ các doanh nghiệp chú trọng hơn tới phát triển bền vững, đặt ra kế hoạch và thực thi các chiến lược phát triển bền vững trong quá trình hoạt động kinh doanh…/.