Hơn 67% số người trưởng thành ở Việt Nam muốn làm doanh nhân

Theo Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam 2014, kết quả một cuộc khảo sát cho thấy có tới 67,2% người trưởng thành được hỏi có mong ước trở thành doanh nhân.

Tại Diễn đàn Khởi nghiệp do Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 9/6, tiến sỹ Lương Minh Huân, Viện phát triển doanh nghiệp-VCCI, cho biết có tới 67,2% số người trưởng thành ở Việt Nam mong ước trở thành doanh nhân và những doanh nhân thành công ngày càng được xã hội coi trọng.

Con số trên được công bố qua Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam 2014 (GEM Việt Nam 2014).

Dựa trên kết quả khảo sát 2.000 người trưởng thành và 36 chuyên gia, GEM Việt Nam 2014 đã cung cấp một bức tranh bao quát về đặc điểm kinh doanh ở Việt Nam theo từng giai đoạn trong chu kỳ phát triển.

Một số phát hiện chính từ Báo cáo GEM Việt Nam 2014 là nhận thức về cơ hội và năng lực kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 đã tăng so với năm 2013 nhưng vẫn ở mức thấp.

Theo khảo sát nói trên, chỉ có 39,4% người được hỏi nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh và 58,2% số người nhận thức là có năng lực kinh doanh (năm 2013 lần lượt là 36,4% và 48,7%).

Tỷ lệ người lo sợ thất bại trong kinh doanh đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, từ 56,7% năm 2013 xuống còn 50,1% năm 2014. Các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu hướng đến phục vụ người tiêu dùng (89%).

Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014 đã đưa ra các khuyến nghị chính sách giúp cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào các vấn đề tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh, đổi mới các chương trình đào tạo, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong kinh doanh.

Tại Diễn đàn năm nay, các đại biểu tập trung vào thảo luận và đề xuất các nhóm giải pháp chính xoay quanh vấn đề đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai (R&D) nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị nội địa và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu đối với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng đề xuất các giải pháp nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư tài chính, chính sách tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng và các tổ chức tài chính vi mô, giải pháp về công tác đào tạo doanh nhân, phát triển nguồn nhân lực cho khởi sự kinh doanh, giải pháp về công tác tuyên truyền, truyền thông cho phong trào khởi sự kinh doanh; xây dựng hệ sinh thái các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) của Việt Nam; trong đó đề cao việc đổi mới “phòng thí nghiệm ra thị trường,” đa dạng hóa các chương trình khởi sự kinh doanh dành cho thanh niên nông thôn, miền núi.

Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, để cải thiện điều kiện kinh doanh, bên cạnh việc tập trung các chương trình khởi nghiệp những tập đoàn, công ty lớn, cũng cần quan tâm chương trình khởi nghiệp cho hộ gia đình, kinh tế gia đình các công dân trong giai đoạn trưởng thành như sinh viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.