Hơn 68.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 7 tháng

Tháng 7 cũng đã đánh dấu hai sự kiện quan trọng khi lao động Việt Nam được tiếp nhận trở lại tại Đài Loan (Trung Quốc) và Đức, mở ra thêm nhiều cơ hội xuất khẩu lao động với thu nhập hấp dẫn.
Hơn 68.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 7 tháng ảnh 1Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: Hữu Việt/TTXVN)

Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong bảy tháng, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 68.523 lao động (21.059 lao động nữ) đạt 72,13% kế hoạch năm 2015 và bằng 106,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ riêng trong tháng Bảy, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 12.350 lao động (4.117 lao động nữ). Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất với 7.717 lao động (1.501 lao động nữ), tiếp theo là Nhật Bản 3.407 lao động, Hàn Quốc 1.071 lao động, Malaysia 1.045 lao động, Saudi Arabia 202 lao động, Macau (Trung Quốc) 85 lao động và các thị trường khác.

Tháng 7 cũng đã đánh dấu hai sự kiện quan trọng khi lao động Việt Nam được tiếp nhận trở lại tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Đức, mở ra thêm nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập hấp dẫn.

Đài Loan đã chính thức tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam làm việc tại hai nghề khán hộ công gia đình (chăm sóc người già, người bệnh tại nhà) và thuyền viên tàu cá đánh bắt gần bờ. Triển khai việc cung ứng và tiếp nhận lao động đi làm khán hộ công gia đình tại Đài Loan, ngày 23/7, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có Công văn số 1063/QLLĐNN-ĐL-CM hướng dẫn các doanh nghiệp về đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm khán hộ công gia đình tại Đài Loan.

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan làm việc phải đáp ứng điều kiện sau về cơ sở vật chất, thời gian đào đạo. Đặc biệt, doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu không bị xử phạt vi phạm hành chính do đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, không có vụ việc nghiêm trọng phát sinh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động.

Không chỉ thị trường Đài Loan tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam, sau thời gian thực hiện thí điểm, ngày 1/7, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức đã thống nhất ký kết ý định thư hợp tác tuyển chọn ứng viên Việt Nam để đào tạo và làm việc trong ngành chăm sóc người già tại Cộng hòa Liên bang Đức. Như vậy, mỗi năm sé có 500-700 điều dưỡng viên được sang Đức học tập và làm việc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục