Theo tổng hợp từ các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 năm 2017 và 2018, hơn 86% số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục có thủ phạm chính là những người thân quen.
[TAND tối cao chỉ đạo xét xử tội phạm xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em]
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có tới 1.293 em bị xâm hại tình dục. Con số này cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ em bị khởi tố chủ yếu là xâm hại tình dục.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong số các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được tổng đài 111 can thiệp hỗ trợ, thủ phạm là người quen, hàng xóm chiếm 59,06%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%; các đối tượng khác là 13,79%. Đặc biệt thủ phạm là người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) chiếm tới 21,12%.
Thừa nhận công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Đặc biệt, tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
“Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra. Trong khi đó, các quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện,” bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hà cũng chỉ ra một thực tế, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Do đó, mục tiêu của việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em là hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, tạo nên một chương trình bảo vệ trẻ em có sự tham gia của tất cả các cơ quan chuyên môn, các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức xã hội./.